Các dự án trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trồng hoa trong nhà lưới với hệ thống phun sương, điều khiển nhiệt độ và ánh sáng tự động; ương giống và nuôi thương phẩm cá tầm, nuôi tôm thẻ chân trắng; nhân giống cây các loại bằng phương pháp nuôi cấy mô, tạo ra các giống lúa, khoai tây mới có năng suất cao và chất lượng cao… Đó là một số kết quả cụ thể của các dự án thuộc chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi”.
Tại hội nghị tổng kết diễn ra ở Hà Nội sáng 18/6, Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân cho biết, chương trình này đã được thực hiện liên tục trong ba giai đoạn từ năm 1998 đến nay. Gần 2.746 tỉ đồng đã được đầu tư cho Chương trình nông thôn miền núi thông qua 845 dự án được thực hiện liên tục trong 15 năm qua.
Theo đánh giá của Bộ KH-CN, phần lớn dự án trong chương trình đã trực tiếp ứng dụng và chuyển giao KH,CN với các mục tiêu, sản phẩm cụ thể như nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, sản xuất các loại nông sản quý, phát triển các loại nông sản nhiệt đới có lợi thế so sánh cao như cà phê, chè, tiêu, điều, cao su…, ứng dụng công nghệ tiên tiến và công nghệ sinh học vào các khâu sản xuất chế biến và bảo quản sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp…
Bên cạnh đó, các dự án trong chương trình còn đào tạo hơn 1.700 cán bộ quản lý KH, CN địa phương, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và tập huấn cho hơn 236.000 lượt nông dân. Ông Quân khẳng định các dự án trong Chương trình nông thôn miền núi đã mang lại hiệu quả cả về KH, CN, kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo ông Quân, trong số 2.746 tỉ đồng đã được đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, chỉ có 39,4% là nguồn vốn từ ngân sách trung ương. Phần vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp và các địa phương chiếm tới hơn 60%.
(KTNT)