Hiện rệp sáp bột hồng phát sinh lây lan nhanh gây hại sắn trên diện rộng, đây là loại sâu hại nguy hiểm, rất khó phòng trừ và là đối tượng dịch hại mới ở Việt Nam. Tiến sĩ Ignazio Graziosi, chuyên gia của Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế khu vực châu Á (CIAT-Asia), đã đến Phú Yên để nghiên cứu mức độ gây hại và cách phòng trừ rệp sáp bột hồng. Báo Phú Yên phỏng vấn tiến sĩ Ignazio Graziosi xung quanh vấn đề này.
* Ông đánh giá như thế nào về tình trạng gây hại của rệp sáp bột hồng hiện nay ở Phú Yên?
- Sự xâm nhập của rệp sáp bột hồng vào Việt Nam là điều mà chúng tôi đã dự báo trước. Sự gây hại của chúng trên các ruộng sắn ở Phú Yên cũng tương đương với những vùng sắn khác đã được điều tra ở Việt Nam. Sự bộc phát của rệp sáp bột hồng ở những vùng mà dịch hại chưa được ghi nhận từ trước thì thường rất nghiêm trọng, bởi vì rệp sáp bột hồng là “dịch hại ngoại lai” (xuất phát từ Nam Mỹ) nên chúng rất khỏe và không bị thiên địch tiêu diệt. Rệp sáp bột hồng tăng mạnh về số lượng trong suốt thời kỳ đầu của mùa khô, điều này có thể gây nên sự thiệt hại đồng ruộng cục bộ, đặc biệt ở những vùng khô hạn. Trời mưa làm giảm sự gây hại bằng cách rửa trôi sâu hại trên cây và giảm nhẹ thiệt hại do mưa có nước làm tăng cường sức khỏe của cây trồng.
Hơn nữa, ở nhiều ruộng mà chúng tôi quan sát cũng bị hại nặng do nhện đỏ gây ra, đây cũng là một dịch hại khác của cây sắn trong mùa khô. Nhện đỏ gây hại mặt dưới lá sắn, chúng chích hút gây vàng, xoăn và rụng lá sắn.
* Là một nhà khoa học, theo ông làm thế nào để ngăn chặn sự phát triển của rệp sáp bột hồng trong thời gian tới?
- Ngăn chặn rệp sáp bột hồng không phải chỉ dựa hoàn toàn vào việc dùng thuốc trừ sâu và tiêu hủy cây bị hại, bởi vì điều này làm tăng chi phí sản xuất cho nông dân và ảnh hưởng đến môi trường sống. Đồng thời các biện pháp này không thể làm giảm sự phát tán của rệp sáp bột hồng và không thể là giải pháp lâu dài. Đặc biệt, chúng tôi không khuyến cáo biện pháp phòng ngừa rệp sáp bằng thuốc trừ sâu lưu dẫn, như ngâm hom trong dung dịch thuốc neo-nicotinoid, bởi vì chúng sẽ phá vỡ hệ sinh thái đồng ruộng và làm cho ruộng sắn có nhiều nguy cơ hơn với các dịch hại khác.
Ngoài ra, điều kiện đất đai nghèo sẽ làm cây trồng bị kiệt sức. Do đó, để ngăn chặn rệp sáp bột hồng, việc đầu tiên mà người trồng sắn nên làm đó là phải quản lý đồng ruộng tốt hơn, gia tăng sức khỏe cây trồng. Bón phân hữu cơ, luân canh và xen canh là các giải pháp cũng sẽ làm giảm sự gây hại của sâu bệnh, bao gồm cả rệp sáp bột hồng.
CIAT-Asia khuyến cáo áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM dựa vào biện pháp sinh học, đặc biệt là sử dụng ong ký sinh Anagyrus lopezi phòng trừ rệp sáp bột hồng. Biện pháp này đã áp dụng thành công ở Thái Lan và đang được triển khai ở tỉnh Tây Ninh. Sự thiết lập quần thể ong ký sinh ngoài đồng sẽ làm giảm sự bộc phát của rệp sáp bột hồng.
* Vậy với loài ong ký sinh mới này, chúng ta có thể khống chế rệp sáp bột hồng ở Phú Yên trong thời gian tới không, thưa ông? Các cơ quan chức năng của Phú Yên phải làm gì để triển khai biện pháp phòng trừ sinh học này tại Phú Yên?
- Dùng ong Anagyrus lopezi giúp phòng trừ rệp sáp bột hồng đã được du nhập thành công vào Việt Nam bằng một dự án của FAO và Cục Bảo vệ thực vật. Qua các mẫu vừa thu được, chúng tôi khẳng định rằng ong Anagyrus lopezi đã hiện diện ở Phú Yên, mặc dù với mật độ không cao. Ong này cần thời gian để thiết lập quần thể và phát triển mật độ cao để khống chế thành công rệp sáp bột hồng. Vì vậy, việc tiêu hủy ruộng sắn, phun thuốc trừ sâu (diệt rệp sáp bột hồng và cả ong ký sinh) sẽ ngăn cản ong ký sinh nhân rộng số lượng, thậm chí ngăn cản hay làm chậm sự khống chế rệp sáp bột hồng.
Theo chúng tôi, những việc Phú Yên cần làm là đánh giá sự hiện diện của ong Anagyrus lopezi bằng cách thu thập cây sắn bị hại từ những ruộng khác nhau trong tỉnh, đồng thời đánh giá mức độ ký sinh. Nếu số ong ký sinh quá thấp, có thể xem xét đưa nguồn ong đang được nhân nuôi tại tỉnh Tây Ninh để thả trên ruộng sắn vào giữa mùa khô. Đồng thời chúng ta tìm ra nguyên nhân thích hợp cho các hoạt động sống và phát triển quần thể của ong Anagyrus lopezi trên ruộng sắn. Chúng ta không cần tiến hành các hoạt động nhân nuôi cho đến khi biết được sự đóng góp trong tự nhiên mà quần thể ong sẽ đem lại trong thời gian ngắn. Vì vậy, chúng tôi tin rằng áp dụng cơ chế của quan hệ dịch hại - thiên địch và sử dụng những kiến thức sẵn có là một giải pháp bền vững và hiệu quả để đối phó với tình trạng rệp sáp bột hồng tại Phú Yên.
* Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện rệp sáp bột hồng phát sinh gây hại 285ha sắn, tăng hơn 130ha so với thời điểm cách nay một tháng. Trong đó, các huyện Đồng Xuân bị gây hại 116,6ha sắn, Sông Hinh 96,6ha, Đông Hòa 6,2ha, Phú Hòa 18ha, Tây Hòa 3ha, Sơn Hòa 27,3ha, TX Sông Cầu 11ha, Tuy An 6,5ha.
Trước đó, đầu tháng 3/2015, rệp sáp bột hồng xuất hiện đầu tiên gây hại 0,8ha sắn ở huyện Đồng Xuân, sau đó lây lan ra các huyện khác. Hiện rệp sáp bột hồng gây hại hầu hết các vùng trồng sắn ở hai huyện Sông Hinh và Đồng Xuân. |