Với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 5% đến 6%/năm, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) đang đổi thay từng ngày.
Có giếng, có nước, đời sống của đồng bào ở thôn Da Dù không còn gặp khó khăn vào mùa khô hạn - Ảnh: M.DUYÊN |
Da Dù là một trong bốn thôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Thôn Da Dù nằm trên núi cao, cách trung tâm xã khoảng 3,5km. Toàn thôn có 326 hộ với 1.407 khẩu. Sản xuất nông nghiệp và trồng rừng đang mang lại nguồn thu nhập chính cho bà con nơi đây.
Ông Mang Nghệ, Trưởng thôn Da Dù, cho biết: Tổng diện tích gieo trồng của thôn gần 900ha, với chủ yếu là cây mía, sắn, keo. Trong đó cây mía là cây trồng chủ lực chiếm 60% diện tích. Nhờ được quy hoạch là vùng nguyên liệu mía cho Nhà máy đường KCP Đồng Xuân, nên thu nhập từ cây mía đang mang lại cuộc sống khá giả cho bà con nơi đây. Ngoài trồng trọt, đồng bào trong thôn còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; tập trung chủ yếu vào nuôi bò với tổng đàn bò 200 con và chú trọng nhân rộng đàn bò lai. Trong thôn, số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm đến 200 triệu đồng/năm chiếm hơn 40% tổng số hộ.
Theo ông Soa Doanh Châu, nhà ông có 9ha đất. 5 năm trước, với diện tích đất này, gia đình sản xuất, thu nhập mang lại chỉ đủ cơm ăn áo mặc; còn bây giờ, cũng trên 9ha, trừ chi phí ông thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Ông Châu chia sẻ: Ngày trước không có khoa học kỹ thuật, phụ thuộc cả vào nước trời nên sản xuất nông nghiệp bấp bênh. Cây lúa chín sắp gặt đem bán được rồi mà không có nước nên chết, khô héo trên ruộng. Còn bây giờ, nhờ được tham gia các lớp tập huấn, được tiếp cận với các mô hình thâm canh cho năng suất chất lượng cao do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, tôi áp dụng thực hiện sản xuất đa canh, trồng mía, hoa màu, lúa nước kết hợp với đào ao thả cá trên diện tích 9ha của gia đình. Không những không còn lo mất mùa, mà thu nhập trong gia đình tôi cũng ngày một tăng lên.
Tới Da Dù hôm nay, những con đường bê tông chạy dọc đường làng, ngõ xóm kéo tới tận nhà rông văn hóa, trung tâm thôn đã thay cho con đường đất, đá lởm chởm trước kia. Hai bên đường nhà ở dân cư khang trang sạch đẹp với nhà xây mái ngói đỏ tươi. Các hộ trong thôn đều xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, bò đảm bảo vệ sinh. Điều đặc biệt hơn, đối với hạ tầng cơ sở ở thôn, người dân không trông chờ hoàn toàn vào hỗ trợ của chính quyền mà chủ động tự làm hoặc tự nguyện góp công, góp của cùng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để xây dựng lên. Ông Mang Nghệ cho biết thêm: Hơn 3km đường trong thôn được bê tông hóa, giúp bà con đi lại thuận lợi cũng như vận chuyển nông thổ sản bán cho các nhà máy trong huyện, tỉnh. Con đường này có sự đóng góp lớn của người dân, vì ngoài tiền, ngày công lao động, nhiều hộ còn tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất mà không đòi bất kỳ một khoản bồi thường nào. Trong thôn không có công trình cấp nước tập trung, để có nước phục vụ sinh hoạt gia đình và chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân chủ động đào giếng. Trong số 70 cái giếng do người dân tự đào, vào mùa khô hạn nhất, khi suối Cà Thu và suối Con Co cũng cạn thì 30 cái giếng vẫn cho đủ nước, giúp bà con sinh hoạt ổn định tới mùa mưa. Nhiều hộ tích lũy vốn nhiều năm để mua máy cày, ô tô tải, máy bơm nước… phục vụ phát triển sản xuất.
Tinh thần tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước là điều đáng nghi nhận nhất của chính quyền và đồng bào thôn Da Dù. Nhờ tinh thần ấy, nên mặc dù nằm cách xa trung tâm xã, trung tâm huyện, điều kiện còn khó khăn nhưng đời sống của người dân trong thôn ngày càng thay đổi. Đến nay, 100% hộ dân trong thôn được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có nhà ở kiên cố… Với những nỗ lực này, cán bộ và nhân dân thôn Da Dù xứng đáng được UBND huyện Đồng Xuân khen tặng.
Ông Phạm Văn Trung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân |
BẠCH VÂN