Thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới, đời sống đồng bào Chăm Hroi ở Phú Yên tiếp tục được chăm lo mọi mặt.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Theo Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, người dân tộc Chăm Hroi ở Phú Yên có 5.191 hộ với 21.579 khẩu; chủ yếu sống ở 3 huyện miền núi và 5 huyện có xã miền núi. Trong đó, huyện Sơn Hòa là địa phương có số lượng đồng bào Chăm Hroi sinh sống đông nhất trong tỉnh. Toàn huyện có 13 dân tộc với hơn 4.700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), riêng đồng bào Chăm Hroi gần 3.000 hộ, chiếm tỉ lệ 64%. Ông Lương Văn Lách, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa, cho biết: Từ khi UBND huyện Sơn Hòa có chủ trương lấy cây mía làm cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích đất sản xuất ở các xã, thôn buôn có đa số đồng bào Chăm Hroi sinh sống được quy hoạch thành vùng mía nguyên liệu, được Nhà máy đường KCP Sơn Hòa hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Cây mía đã trở thành cây làm giàu cho bà con đồng bào dân tộc, trong đó có đồng bào Chăm Hroi. Nhờ vậy, nhiều hộ đã thoát nghèo với tỉ lệ giảm nghèo hàng năm từ 3% đến 4%; nhiều hộ còn vươn lên làm giàu.
Trong tỉnh, nhiều thôn có gần 100% đồng bào Chăm Hroi sinh sống. Trong đó có thôn nằm trên núi cao, cách xa trung tâm xã, trung tâm huyện nhưng cơ sở hạ tầng vẫn được đầu tư khang trang với nhà rông văn hóa, nhà ở kiên cố, các công trình nước sinh hoạt, đường bê tông kéo tới tận thôn, buôn. Bộ mặt thôn buôn thay đổi, đời sống đồng bào Chăm Hroi từng bước nâng cao. Nhiều hộ đã sắm ti vi, xe máy, máy cày, xe tải nhẹ…, những phương tiện phục vụ sinh hoạt hàng ngày và sản xuất đã không còn quá xa vời với người dân… Ông La Mo Trung, Trưởng thôn Kỳ Đu ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Cả thôn có 92 hộ thì 90 hộ là người Chăm Hroi. Sản xuất nông nghiệp với trồng mía, mì và nuôi bò đang mang lại nguồn thu nhập chính cho bà con trong thôn. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở thôn đạt 11,8 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng so với 5 năm trước.
BẢO ĐẢM AN NINH
Song song với phát triển kinh tế, an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS nói chung và đồng bào Chăm Hroi nói riêng luôn được bảo đảm. Không chỉ có các già làng, trưởng thôn buôn, đồng bào Chăm Hroi hôm nay còn có thêm lực lượng đội ngũ trí thức trẻ là con em đồng bào dân tộc Chăm Hroi đã góp phần cùng chính quyền và lực lượng an ninh các cấp giữ gìn an ninh vùng miền núi.
Điển hình như thượng úy La Mo Tết, người Chăm Hroi ở thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Thượng úy Tết đang công tác tại Công an huyện Đồng Xuân. Với nhiệm vụ được giao, La Mo Tết luôn bám sát địa bàn, phối hợp với chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương phát hiện những diễn biến bất thường dù là nhỏ nhất của các thế lực thù địch, tìm cách lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng nhằm xâm hại đến lợi ích nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữa đồng bào với chính quyền địa phương, với Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự ở địa phương được giữ vững, đồng bào Chăm Hroi tin theo Đảng, làm theo pháp luật Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử tại Phú Yên mới đây, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết: Thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới, Phú Yên tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đi đôi với tăng cường vận động, giáo dục chính trị trong đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Chăm Hroi nói riêng về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tỉnh cũng nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận thức rõ âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, lợi dụng chính sách tôn giáo, dân tộc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm sinh sống ổn định. Đồng bào Chăm nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò tích cực của già làng, trưởng thôn, buôn và người có uy tín trong công tác vận động nhân dân tham gia thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, hòa giải mâu thuẫn trong buôn làng, giữ gìn sự đoàn kết nội bộ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; góp phần thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc |
MINH DUYÊN