Đó là khuyến cáo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trong chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tuần này.
* Thưa bộ trưởng, một số hộ nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long có phản ánh năng suất lúa khá cao nhưng từ đầu tháng 4 đến nay giá lúa giảm mạnh. Không chỉ gạo mà mấy tháng nay một loạt mặt hàng nông sản khác như dưa hấu ở Quảng Ngãi, thanh long ở Bình Thuận, hành tây ở Đà Lạt, hành tím ở Sóc Trăng... cũng rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, khó tiêu thụ. Thực tế thì vấn đề này không hề mới nhưng đang tiếp tục đẩy nông dân vào tình trạng khó khăn. Vậy Bộ NN-PTNT đang có giải pháp gì cho thực trạng này?
Bộ trưởng Cao Đức Phát:
- Tình trạng đang diễn ra có liên quan đến hai nhóm vấn đề, thứ nhất là có tính chất tình huống ngắn hạn, thứ hai là có bộc lộ sự tồn tại của ngành Nông nghiệp, liên quan đến khả năng cạnh tranh và tổ chức sản xuất. Vì thế Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp giải quyết các vấn đề có tính chất tình huống trước mắt và các biện pháp có tính chất bền vững hơn trong lâu dài.
Trước mắt là trong xuất khẩu thì Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp làm việc với phía bạn Trung Quốc để tăng năng lực thông quan, đối với hành tím của Sóc Trăng, tôi đã sang Indonesia gặp bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương Indonesia để nêu vấn đề và tiếp tục bằng các kênh khác tác động với phía bạn, và tìm các thị trường khác để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục triển khai các biện pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó có điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất theo sát yêu cầu thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông sản của nước ta, tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất gắn chặt chẽ hơn với tiêu thụ ở các thị trường trong nước và quốc tế.
* Thưa bộ trưởng, năm ngoái xuất khẩu nông sản của chúng ta đạt mức kỉ lục là 31 tỉ USD, trong khi năm nay đã gần nửa năm rồi nhưng xuất khẩu nông sản mới chỉ đạt hơn 11 tỉ USD, tức là mới được bằng 1/3 năm ngoái. Vậy Bộ NN-PTNT đang và sẽ làm gì để hỗ trợ nông nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này?
- Trong tình hình đó, chúng tôi tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc với từng loại sản phẩm và trên từng thị trường cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Thứ 2, trong nước cũng hướng dẫn và hỗ trợ nông dân tập trung vào đẩy mạnh sản xuất mặt hàng có thị trường thuận lợi, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực của nước ta.
Ví dụ như đối với lúa gạo, chúng tôi chủ trương không tăng số lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng và hạ giá thành, tôi đề nghị các địa phương hướng dẫn và hỗ trợ nông dân trồng những giống lúa bán được giá cao, mặt khác đề nghị các cơ quan chuyên môn của bộ phối hợp với các địa phương năm nay tập trung hỗ trợ nông dân tiết kiệm giống. Như ở khu vực đồng bằng Sông Hồng chỉ cần 30-50kg giống/ha lúa trong khi đó ở miền Trung và đồng bằng Sông Cửu Long có nơi sử dụng 100kg giống.
* Vậy bộ trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam như tại Mỹ, Úc và Nhật Bản?
- Đây là những thị trường có nhu cầu cao, và có yêu cầu lớn đối với sản phẩm có chất lượng và giá trị cao. Tuy nhiên để xuất khẩu vào thị trường này nhiều hơn thì các doanh nghiệp của nước ta phải tuân thủ các yêu cầu rất chặt chẽ về chất lượng hàng hóa. Vì vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất hàng hóa đáp ứng các yêu cầu của thị trường này.
* Một nông dân ở Tây Nguyên rất quan tâm đến hạt mắc ca, vốn là một nông sản dù mới được giới thiệu ở Việt Nam nhưng cũng đã có những quan điểm trái chiều về việc nên hay không nên đưa nông sản này vào trồng rộng rãi. Xin được hỏi quan điểm chính thức của Bộ NN-PTNT về vấn đề này?
- Bộ NN-PTNT đã tiến hành khảo nghiệm cây mắc ca từ năm 1994 và sau 20 năm theo dõi chúng tôi có thể khẳng định nước ta có thể trồng cây mắc ca ở nhiều vùng, đặc biệt là ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Tuy nhiên, việc phát triển cây mắc ca phải tuân thủ các quy trình rất chặt chẽ về mặt kỹ thuật, đặc biệt là về giống.
Chúng tôi đã khảo nghiệm và công nhận khoảng 10 giống và khuyến cáo bà con nông dân chỉ trồng cây mắc ca đã khảo nghiệm và khẳng định trồng có hiệu quả cao hoặc có điều kiện tương tự. Thứ hai là theo quy trình hướng dẫn của Bộ NN-PTNT và sử dụng cây ghép bằng những giống mà bộ đã khảo nghiệm và công nhận, mặt khác cũng có câu hỏi nước ta nên dùng diện tích là bao nhiêu, sau khi cân nhắc các mặt về điều kiện tự nhiên, khả năng chuẩn bị giống, thị trường, chúng tôi đề nghị trước mắt đến năm 2020 nước ta phát triển khoảng 10.000ha và bà con cũng chỉ nên trồng giá thành sản xuất dưới 30.000/kg quả khô mới đảm bảo khả năng phát triển bền vững lâu dài.
Xin trân trọng cảm ơn bộ trưởng!
Theo VOV