Những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) chi nhánh Phú Yên đã tạo động lực giúp hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, hầu hết các hộ vay đều có những chuyển biến tích cực về nhận thức và cách làm ăn. Nhiều hộ đã thoát ngưỡng nghèo, cận nghèo và gầy dựng được cơ nghiệp từ những đồng vốn nhỏ như thế.
Từ đầu năm đến nay, VBSP Phú Yên giải ngân hơn 190 tỉ đồng cho hơn 13.000 hộ vay vốn, doanh số thu nợ đạt 155 tỉ đồng. Tổng dư nợ của 12 chương trình cho vay đến nay là 1.850 tỉ đồng với hơn 93.000 hộ vay vốn, tăng 35 tỉ đồng so với đầu năm. |
NUÔI BÒ “TỪ MỘT THÀNH HAI”
Khoe với cán bộ tín dụng và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn về con bò lai Pháp của gia đình, ông Trần Văn Bình ở thôn Phú Mỹ, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), cho biết: “Cách đây mấy năm, tôi được Hội Nông dân xã Hòa Đồng xem xét, hướng dẫn làm hồ sơ vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo của VBSP. Thời điểm đó, tôi mua bò về nuôi, được hơn 1 năm thì bò mẹ sinh bê con. Tôi nuôi lớn thêm một tí rồi bán lấy tiền trả nợ ngân hàng. Sau đó, tôi xin vay lại và thêm tiền mua con bò lai với giá 26 triệu đồng. Hơn 1 năm chăm sóc, giờ có người trả trên 50 triệu đồng nhưng tôi chưa muốn bán. Với con bò này, tôi có thể làm dịch vụ kéo cày, chở nông sản thuê cho một số người trong vùng. Hơn hết, tôi còn dùng nó để làm giống cho các lứa sau”. Theo ông Bình, bây giờ, nông dân làm lúa chủ yếu để có hạt gạo ăn, còn muốn dư dả thì phải làm thêm nhiều việc khác. Trong đó, việc nuôi bò là tương đối đơn giản, lại có thể đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Hầu hết người dân nông thôn đều muốn được vay vốn để nuôi bò, coi như là của để dành, để tái đầu tư. Hiện gia đình ông Bình có 2 con bò lai và 2 bê con, cộng với nguồn thu nhập từ mấy sào ruộng, cảgia đình 5 người của ông không còn phải sống chật vật như trước.
Ở huyện miền núi Đồng Xuân, việc nuôi bò “từ 1 thành 2” (1 bò mẹ sinh thêm 1 bê con) sau khoảng 1,5 năm nuôi cũng giúp người dân có vốn lận lưng. Vừa mới bán xong một lứa bò, ông Cao Văn Diệu ở xã Xuân Sơn Bắc tranh thủ đến Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Xuân để trả nợ mà không cần đợi đến ngày hẹn trả nợ. Ông Diệu cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên thiếu vốn làm ăn trầm trọng. Nếu vay nóng bên ngoài thì không biết bao giờ trả được, còn vay người thân thì họ cũng chẳng khá giả gì hơn. Được cán bộ tổ và Hội Nông dân quan tâm, tôi đã tiếp cận được nguồn vốn chính sách và đầu tư nuôi bò. Vì con bò là “đầu cơ nghiệp” của gia đình nên tôi chăm sóc chúng rất cẩn thận. Ngoài cám tổng hợp, rơm khô, tôi còn thường xuyên cắt cỏ, rau muống cho bò ăn để bổ sung thức ăn xanh. Nhờ vậy, bò mau lớn, bán được giá nên tôi tranh thủ đi trả nợ ngay, giữ uy tín với ngân hàng để kỳ sau còn được xét cho vay nữa.
Ông Lê Thuận khoe “gia sản” gần chục con bò được gầy dựng nhờ vốn vay chính sách - Ảnh: L.HẢO |
ĐA DẠNG CÁCH SỬ DỤNG VỐN
Không chỉ đầu tư nuôi bò, nhiều hộ vay vốn chính sách trên địa bàn tỉnh còn đa dạng các hình thức sử dụng vốn vay để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Điển hình là hộ bà Lê Thị Nhiễu ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa). Năm 2014, gia đình bà Nhiễu được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình tín dụng hộ cận nghèo của VBSP để mua bò về nuôi. Số vốn còn dư, bà đầu tư nuôi bồ câu Pháp bán giống. Ngoài ra, gia đình bà Nhiễu còn tăng thu nhập bằng cách nuôi gà đá. “Tôi có 7 người con nên phải bươn chải rất vất vả mới đủ chi phí trong gia đình và nuôi con ăn học. Nhờ chăm chỉ làm ăn, cộng với việc được VBSP tiếp vốn, đến nay, gia đình tôi cơ bản đã thoát nghèo. Chúng tôi cũng mới sửa sang, cơi nới nhà cửa để chuẩn bị lập gia đình cho con”, bà Nhiễu chia sẻ.
Tự hào khoe đàn bò gần chục con của gia đình, ông Lê Thuận, cựu chiến binh ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông, cho biết đây là kết quả tích góp qua nhiều năm chăn nuôi bò từ nguồn vốn chính sách của cả gia đình ông. Hiện nay, ngoài chăn nuôi, trồng trọt, ông Thuận còn dùng 20 triệu đồng vốn vay chương trình hộ cận nghèo để sửa máy móc làm dịch vụ nông nghiệp. Ngoài ra, ông Thuận còn vay 12 triệu đồng vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để tảo giếng, nâng cấp nhà vệ sinh, đảm bảo sinh hoạt trong gia đình.
Theo VBSP Phú Yên, hiện ngân hàng này đã “phủ sóng” toàn tỉnh với 112 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, giúp những người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn dễ dàng tiếp cận với vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, VBSP Phú Yên tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể cơ sở tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến các nguồn vốn vay ưu đãi; thực hiện tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, nợ phân kỳ, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng để nhiều đối tượng thụ hưởng được vay vốn…
LÊ HẢO