Mới bước vào mùa khô, nhưng nguồn nước sinh hoạt ở nhiều nơi trong tỉnh đã trở nên khan hiếm, người dân phải mua nước với giá cao. Trong khi đó, nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung, với kinh phí đầu tư hàng tỉ đồng lại không hoạt động hoặc kém hiệu quả.
GẦN NỬA DÂN TRONG XÃ THIẾU NƯỚC
Nắng nóng nhiều tháng qua, nhiệt độ ở Phú Yên dao động từ 35 đến hơn 390C khiến nhiều giếng nước tự đào của người dân trơ đáy, đẩy hàng nghìn hộ lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Xã Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa có gần 500 hộ dân, là một trong những địa bàn khan hiếm nước sinh hoạt nhất tỉnh nhiều năm qua, nay tiếp tục tái diễn và hiện đã lên đến đỉnh điểm với hơn 200 hộ thiếu nước sinh hoạt. Nhiều ngày qua, nhiều hộ dân ở xã này phải đi mua nước để phục vụ sinh hoạt trong gia đình với giá từ 60.000 đến 70.000 đồng/m3, gấp 10 lần giá của tỉnh quy định. Điều đáng nói là hầu hết các gia đình ở xã Sơn Định đều có giếng đào, thậm chí có gia đình đào từ 2 đến 3 giếng, nhưng cũng chỉ để sử dụng trong mùa mưa, còn mùa nắng thì cạn kiệt.
Ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, than thở: Nhà nào ở đây cũng có giếng nhưng không có nước để sử dụng. Mặc dù có giếng và máy bơm nhưng tuần nào gia đình tôi cũng phải mua 2m3 nước để sử dụng với giá 120.000 đồng. Còn ông Nguyễn Văn Thọ ở thôn Hòa Nghĩa, cho biết, giếng trơ đáy, công trình cấp nước cũng cạn, nên gia đình ông phải đi lấy nước suối về lắng lọc để dùng.
Trước nhu cầu sử dụng nước tăng cao, một số người ở xã Sơn Định mua nước từ giếng khoan của một người trong xã với giá từ 15.000 đến 17.000 đồng/m3, sau đó dùng ô tô chở đến bán lại cho các hộ dân. Ông Nguyễn Quốc Tuấn chuyên vận chuyển nước sinh hoạt bán cho người dân ở xã Sơn Định, cho biết, trong xã có 5 xe chở nước, bình quân mỗi xe chở 7 chuyến/ngày, tương đương 14m3”.
Tại huyện Tuy An, tình trạng khô hạn cũng đang diễn ra gay gắt, nhiều giếng đào của người dân ở các xã An Thọ, An Hiệp bắt đầu cạn kiệt. “Hiện giếng đào của gia đình đã cạn mạch, khoan giếng thì gặp đá, phải đi lấy nước suối về lắng lọc để sử dụng vì không còn cách nào khác”, bà Lê Thị Sen ở thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, cho biết.
NHIỀU CÔNG TRÌNH NƯỚC “ĐẮP CHIẾU”
Xã Sơn Định được Nhà nước đầu tư 3 công trình nước tập trung, mỗi công trình trên dưới 1 tỉ đồng. Trong đó, công trình cấp nước thôn Hòa Bình đã ngưng hoạt động từ nhiều năm qua. Công trình cấp nước thôn Hòa Nghĩa cấp nước cho 154 hộ dân ở các thôn Hòa Nghĩa, Hòa Thuận, Hòa Trinh cũng vừa ngưng hoạt động. Chỉ có công trình nước tự chảy tại thôn Hòa Ngãi đang hoạt động.
Riêng công trình cấp nước thôn Hòa Nghĩa chỉ hoạt động vào mùa mưa, song chất lượng nước cũng không đảm bảo. Ông Phan Tiến Dạng, nhân viên vận hành Trạm cấp nước thôn Hòa Nghĩa, cho biết: Mấy tháng trời mưa, công trình nước ở đây hoạt động liên tục, cung ứng đủ nước cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, đến mùa khô thì công trình thiếu nước và ngưng hoạt động từ đầu tháng 5 đến nay. Nguồn nước của Trạm cấp nước thôn Hòa Nghĩa cũng chỉ để người dân tắm giặt vì nước chưa qua xử lý, chất lượng nước không đảm bảo.
Ông Trần Minh Tiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Định, cho hay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vào mùa khô đã diễn ra nhiều năm qua. Trước đây, Nhà nước đầu tư 3 công trình nước tập trung, nhưng đến thời điểm này chỉ còn công trình nước tự chảy ở thôn Hòa Ngãi là tương đối hiệu quả. Trên địa bàn xã có hồ nước Hòa Thuận nhưng cũng bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật của người dân sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Từ thực trạng trên, huyện Sơn Hòa vừa khoan thử nghiệm một giếng có độ sâu hơn 170m, kinh phí 135 triệu đồng để giải quyết nhu cầu nước khu vực trụ sở xã Sơn Định, trường tiểu học, trạm y tế và một số hộ dân quanh vùng. Ông Trần Minh Tiên cho biết, xã đang vận động mỗi điểm từ 4 đến 7 hộ dân góp tiền, kết hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, khoan một giếng nước để dùng chung trong mùa khô. Đây là mong muốn của nhiều người dân ở xã Sơn Định từ nhiều năm nay.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ trước năm 2012, Phú Yên đầu tư xây dựng 87 công trình cấp nước tập trung nông thôn, thế nhưng hiện chỉ còn 31 công trình hoạt động bền vững, 24 công trình hoạt động bình thường, 5 công trình hoạt động kém hiệu quả và 18 công trình ngưng hoạt động. Ngoài ra, từ năm 2012 đến năm 2014, tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp 11 công trình và đang thi công 4 công trình cấp nước tập trung nông thôn để cấp nước cho 35.756 người. Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến các công trình cấp nước hoạt động không hiệu quả là do công tác khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước có nhiều bất cập, nên sau vài năm sử dụng, nguồn nước bị thay đổi, chất lượng nước không đảm bảo. Ngoài ra, một số công trình không có nguồn nước hoặc có nhưng không đủ để khai thác, nhất là vào mùa khô, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
PHƯƠNG NAM