Chủ Nhật, 19/01/2025 22:04 CH
Hệ lụy khi sản xuất chạy theo phong trào
Thứ Tư, 06/05/2015 07:30 SA

Phá cây sắn để trồng mía và ngược lại, cứ như cái vòng luẩn quẩn.

 

Mấy năm trước, dân ôm giấc mơ thu tiền tỉ khi đổ xô trồng cây dó bầu tạo trầm để rồi bây giờ… không ít người “ôm sầu”!

 

Cây “vàng trắng” cao su cũng không ngoại lệ.

 

Thời gian gần đây, có hiện tượng nông dân đua nhau trồng xoài Đài Loan, mít Thái siêu sớm, dưu hấu...

Giờ thì bà con lại chạy theo phong trào trồng cây mắc ca được quảng cáo là “nữ hoàng cây công nghiệp” hay “cây tỉ phú”.

 

Chỉ tính riêng ở huyện Sông Hinh đã phát triển hơn 40ha cây mắc ca, và đang trồng lan rộng nhiều nơi. Trong khi, đa số người dân chưa biết trồng rồi có hiệu quả hay không, bán cho ai; tỉnh cũng chưa có chủ trương trồng cây này. Nếu phát triển “nóng” cây mắc ca như các tỉnh Tây Nguyên thì nguy cơ đe dọa phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp tại địa phương và sẽ rất nguy hiểm cho nông dân vì có thể đất đai không phù hợp dẫn đến cây trồng kém phát triển, hiệu quả thấp…

 

Người nông dân luôn tìm tòi, mở ra hướng làm ăn mới với mong muốn làm giàu là khát vọng chính đáng. Tuy nhiên, họ cứ mãi miết sản xuất chạy theo phong trào, chạy… “theo đuôi” thị trường thì quả là thiếu căn cơ, thiếu bền vững. Nhưng cũng cần nói thêm là chính quyền địa phương, các ngành chức năng thiếu quản lý, quy hoạch, chưa kịp thời tuyên truyền, định hướng cho dân trong việc đầu tư sản xuất, chọn lựa cây con, ứng dụng kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm… mang tính ổn định lâu dài.

 

Xin nhắc đến câu chuyện, từ những năm 1999, huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) “bắt tay” cùng nông dân quy hoạch đầu tư trồng cây sầu riêng, chỉ mua giống của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, không chấp nhận giống sầu riêng trôi nổi, kém chất lượng. Sau đó, huyện này hỗ trợ kỹ thuật, vốn, đầu ra… cho bà con phát triển hàng trăm hecta diện tích sầu riêng thu hoạch trái vụ rất thơm ngon, cơm vàng, hạt lép. Để rồi những năm gần đây, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn nổi tiếng khắp vùng, trong cả nước. Và Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH-CN đã công nhận thương hiệu độc quyền này, mở ra bước tiến mới để xây dựng và phát triển một thương hiệu trẻ, đầy tiềm năng. Đây có thể là mô hình, là bài học kinh nghiệm cho địa phương, ngành Nông nghiệp Phú Yên trong việc hình thành vùng chuyên canh “cây đặc sản” có giá trị kinh tế cao giúp dân làm giàu.

 

Trở lại câu chuyện dân chạy theo trồng cây mắc ca, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu khảo nghiệm giống, chỉ trồng cây mắc ca ở những vùng đã khảo nghiệm thành công và diện tích trồng loại cây này đến năm 2020 chỉ dừng lại mức 10.000ha. Và mới đây, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc đã ký Văn bản 1605 chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát việc trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh để có hướng quản lý, chỉ đạo.

 

Cây mắc ca có thể là một lựa chọn của nông dân để đa dạng hóa cây trồng. Nhưng phải thận trọng, không để người dân chỉ nghe cái lợi trước mắt mà bất chấp rủi ro, cứ tự phát ồ ạt trồng cây này cũng như các loại cây khác nhiều quá mức so với nhu cầu thị trường tiêu thụ để rồi tự hạ giá trị sản phẩm của mình, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

 

NGUYÊN LƯU 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek