Thứ Tư, 22/01/2025 16:50 CH
Người tiêu dùng chưa quan tâm đến quyền được thông tin
Thứ Bảy, 11/04/2015 08:00 SA

NTD cần được biết mọi thông tin về sản phẩm trước khi quyết định mua hàng - Ảnh: N.XUÂN

Quyền được thông tin là một trong tám quyền cơ bản của người tiêu dùng (NTD). Nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn chưa rõ ràng trong việc công bố thông tin sản phẩm, dịch vụ; còn nhiều NTD thì vẫn thờ ơ với quyền lợi của mình.

 

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền được thông tin là một trong tám quyền cơ bản của người tiêu dùng. Theo đó, trước khi mua bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào, NTD có quyền được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa đó. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để NTD quyết định có mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ đó hay không. Tuy nhiên, hiện nhiều NTD chưa quan tâm lắm đến quyền được thông tin của mình. Hoặc một số NTD muốn quan tâm thì thông tin về sản phẩm khá mập mờ, chung chung.

 

Chị Đào Thị Mận ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, cho biết: “Tôi thường mua hàng hóa, dịch vụ của các nhà cung cấp có thương hiệu lớn, uy tín nên ít quan tâm đến thông tin của sản phẩm. Bên cạnh đó, tôi cũng chỉ mua hàng ở những chỗ quen, hoặc những kênh bán hàng uy tín để yên tâm hơn về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa”. Còn theo chị Nguyễn Bích Nhi ở phường 5, TP Tuy Hòa, thì tiêu chí đầu tiên khi mua hàng hóa, dịch vụ là giá cả, mẫu mã và chất lượng, còn những thông tin khác, chị không quan tâm lắm.

 

Trên thực tế, không phải lúc nào mua hàng của những thương hiệu lớn thì không gặp rắc rối về chất lượng sản phẩm hay các chế độ phục vụ hậu mãi. Chị Bùi Thị Khương ở huyện Đông Hòa, bức xúc: Năm ngoái tôi mua ti vi của một hãng uy tín có giá trị hơn chục triệu đồng ở một siêu thị điện máy lớn. Tuy nhiên, khi dùng được ít ngày thì ti vi bị bể màn hình. Vì còn hạn bảo hành nên tôi yêu cầu hãng sửa thì họ không chấp nhận. Quá bức xúc, tôi đã báo Hội Bảo vệ quyền lợi NTD can thiệp mới được hỗ trợ sửa chữa thiết bị lỗi.

 

Rất chú ý hỏi rõ thông tin sản phẩm, nhưng chị Đỗ Thị Kim Thoa ở phường 9, TP Tuy Hòa lại lâm vào tình trạng rối thông tin. Chị Thoa cho biết: Khi mua hàng có giá trị cao, tôi rất sợ mua phải hàng Trung Quốc, hàng kém chất lượng nên thường hỏi kỹ các thông tin về sản phẩm như nguồn gốc, xuất xứ, nhà sản xuất… Tuy nhiên, một số sản phẩm được nhân viên tư vấn trả lời rất mập mờ như hàng công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng sản xuất tại Trung Quốc, hàng liên doanh giữa các nước, hàng Việt công nghệ Đức… khiến tôi cũng chẳng biết nguồn gốc thực sự ở đâu. Bên cạnh đó, các thông tin về sản phẩm, dịch vụ, các chế độ bảo hành, hậu mãi cũng không được tư vấn rõ ràng. Vì tôi đã tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm trên mạng nên mới “biết đường” hỏi, còn những người không tìm hiểu kỹ thông tin trước, hoặc những người lớn tuổi thì rất khó phân biệt về xuất xứ thực sự của hàng hóa.

 

Theo Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, NTD có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch… Trong đó có các nội dung cần được lưu ý như cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tài sản, tính mạng NTD; khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của sản phẩm; các hướng dẫn sử dụng, điều kiện và các thủ tục bảo hành…

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa rõ ràng trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ cho NTD như thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn; chất lượng hàng hóa không đúng như quảng cáo, giới thiệu; không có hướng dẫn đầy đủ về cách sử dụng, bảo quản, bảo hành; một số thông tin không được kiểm chứng; hàng hóa không bán đúng giá niêm yết... Những “lỗi” này thường gặp với các sản phẩm thực phẩm chức năng, điện thoại di động, xe máy và các thiết bị chăm sóc sắc đẹp…

 

Do vậy, NTD cần thông tin cho các ngành chức năng khi phát hiện sản phẩm không an toàn hoặc phát hiện các hành vi vi phạm quyền lợi của NTD. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc cung cấp thông tin chính xác cho NTD; đồng thời xây dựng văn hóa, phong cách giao tiếp, phục vụ chuyên nghiệp. Không những vậy, để bảo vệ thương hiệu của mình, các doanh nghiệp cần hợp tác, phối hợp với các cơ quan nhà nước để cảnh báo, phát hiện và giúp NTD phân biệt hàng hóa giả mạo, kém chất lượng; xây dựng hệ thống tiếp nhận phản ánh, xử lý thông tin khiếu nại của NTD…

 

Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, cho biết: Để không bị xâm phạm về quyền lợi, NTD cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm, dịch vụ. NTD nên dùng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; cần thiết phải kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi tiếp nhận. Khi mua hàng hóa, cần lấy đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hướng dẫn sử dụng, chứng nhận bảo hành và lưu giữ cẩn thận. Khi sử dụng, NTD cần thực hiện đầy đủ, chính xác hướng dẫn và lưu ý các thông tin cảnh báo.

 

NAM KHÁNH 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek