Trong danh sách 15 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá lưới vây và tàu dịch vụ hậu cần theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã được UBND tỉnh phê duyệt cách đây 2 tháng, đến nay, chỉ có 2 ngư dân Võ Văn Lành và Võ Văn Tú ở phường 6, TP Tuy Hòa được ký hợp đồng tín dụng. Các ngư dân còn lại hầu hết đều thiếu vốn đối ứng bằng tiền mặt để hoàn thiện hồ sơ vay.
VỐN ĐỐI ỨNG CHỦ YẾU LÀ TÀI SẢN
Theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới công suất từ 800CV trở lên được vay vốn đến 95% giá trị thân tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Trường hợp ngư dân đóng tàu vỏ gỗ được vay tối đa 70% giá trị thân tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Tại Phú Yên, trong danh sách các chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn theo Nghị định 67, ngư dân chủ yếu đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ gỗ. Như vậy, ngoài nguồn vốn được vay tối đa 70%, ngư dân phải chứng minh được mình có đủ ít nhất 30% vốn đối ứng trong phương án tài chính. Tuy nhiên, qua khảo sát của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, hầu hết ngư dân không có vốn đối ứng bằng tiền mặt mà chỉ có nhà cửa, đất đai, tàu thuyền và muốn dùng những tài sản này làm vốn đối ứng.
Ngư dân Nguyễn Bé ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa cho biết: Tôi có trên 30 năm kinh nghiệm trong nghề lưới vây truyền thống. Hiện gia đình cũng đánh bắt hiệu quả và được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện nên mong muốn được vay vốn để đóng mới tàu công suất lớn nhằm vươn khơi bám biển, khai thác xa bờ hơn.
Về phần vốn đối ứng mà ngân hàng yêu cầu, tôi muốn thế chấp quyền sử dụng đất, nhà và con tàu đang sử dụng cho hoạt động đánh bắt làm vốn đối ứng. Nếu ngân hàng đồng ý phương án này thì ngư dân chúng tôi mới dễ dàng tiếp cận “vốn 67”.
Theo ông Hà Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Phú Yên, vốn đối ứng là một trong những điều kiện bắt buộc để ngư dân hoàn thành thủ tục vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. Tuy nhiên, ngư dân phải chứng minh được là mình thực chất có vốn đối ứng bằng tiền mặt thì ngân hàng mới mạnh dạn cho vay. Vì khi thực hiện đóng tàu, phần vốn đối ứng của ngư dân sẽ được sử dụng trước hoặc sử dụng đồng thời với vốn giải ngân của ngân hàng. Khi tàu hoàn thành 50% giá trị thì phần vốn tự có của ngư dân cũng được sử dụng hết; lúc đó, vốn ngân hàng sẽ giúp hoàn thiện phần còn lại.
PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH PHẢI ĐẢM BẢO KHẢ NĂNG TRẢ NỢ
Ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, phân tích: Nếu ngư dân thế chấp tài sản để vay tiền làm vốn đối ứng thì đối với số tiền này, ngư dân phải chịu lãi suất dành cho khách hàng sản xuất kinh doanh thông thường, hiện dao động trong khoảng 9 đến 10%/năm. Như vậy, mỗi tháng, ngoài tiền gốc và lãi được tính theo lãi suất được hỗ trợ, ngư dân phải chịu thêm một khoản gốc và lãi theo lãi suất vay thương mại; liệu ngư dân có kham nổi không? Nếu ngư dân vẫn muốn vay hết 100% giá trị tàu, trong đó có cả phần vay ưu đãi và phần vay thương mại thì khách hàng và ngân hàng cùng ngồi lại tính toán phương án tài chính. Khách hàng có đầy đủ khả năng trả nợ thì ngân hàng có thể cho vay. Theo ông Hàn, ngư dân phải xác định vay vốn theo Nghị định 67 là đi vay với lãi suất thấp chứ không phải được cấp vốn miễn phí. Vì vậy, khi vay vốn đóng tàu, ngư dân phải tính toán kỹ về hiệu quả đánh bắt. “Hoạt động trên biển thường xuyên chịu tác động của các điều kiện khách quan, chỉ cần ngư dân chậm trả nợ quá thời gian quy định thì nợ sẽ chuyển nhóm. Và khi một món nợ chuyển nhóm thì toàn bộ các món nợ khác của người vay đều chuyển nhóm theo; lúc đó, ngư dân phải chịu lãi suất cao hơn”, ông Hàn nói.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cho phép ngư dân sử dụng tài sản hiện có như đất đai, nhà cửa, tàu thuyền… để thế chấp vay vốn đối ứng. Đồng chí Lê Văn Trúc cũng yêu cầu các cơ quan chức năng hướng dẫn ngư dân làm lại phương án tài chính và đề nghị tổ thẩm định phải xem xét kỹ phương án này. Nếu bà con chứng minh có khả năng trả được nợ thì ngân hàng nên cho vay. Còn nếu tổ thẩm định thấy không đảm bảo thì phải trả lời bằng văn bản để bà con được rõ.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Để giải quyết bài toán về vốn đối ứng cho ngư dân, mới đây, Tập đoàn Yamar Nhật Bản đã liên hệ nhờ UBND tỉnh giới thiệu một nhóm chủ tàu có hoạt động đánh bắt xa bờ hiệu quả. Nếu thấy khả thi, Yanmar sẽ liên kết đầu tư khoảng 50 đến 60% giá trị tàu đóng mới, số còn lại ngân hàng cho ngư dân vay theo Nghị định 67. Làm được điều này, ngư dân sẽ giảm gánh nặng về vốn đối ứng. |
LÊ HẢO