Thứ Sáu, 24/01/2025 07:46 SA
Thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Gỡ khó hay thêm khó?
Thứ Sáu, 27/03/2015 07:46 SA

Điều kiện bảo lãnh tín dụng phải thông thoáng, doanh nghiệp mới dễ dàng có thêm kênh tiếp cận vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh - Ảnh: L.HẢO

Đó là băn khoăn của đại diện các doanh nghiệp, ngân hàng tại buổi hội thảo bàn về việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Phú Yên. Sau khi thảo luận, tuy tất cả các đại biểu đều ủng hộ việc thành lập quỹ nhưng họ cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét có cần thiết hay không vì quỹ ra đời nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng điều kiện để được bảo lãnh quá chặt chẽ, có thể làm nản lòng những doanh nghiệp muốn tiếp cận. 

 

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC BẢO LÃNH QUÁ CHẶT CHẼ

 

Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hầu hết trong số này là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là tuy có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi nhưng không đủ tài sản thế chấp nên khó vay được vốn ngân hàng để mở rộng quy mô đầu tư. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng thương mại đang thừa vốn nhưng chưa thể cho vay vì khó tìm được khách hàng đủ điều kiện. Do đó, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập sẽ trở thành cầu nối giúp ngân hàng và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung, giúp doanh nghiệp có thêm một chỗ dựa vững chắc trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng.

 

Cũng theo ông Thọ, cộng đồng doanh nghiệp Phú Yên sẵn sàng góp vốn để thành lập quỹ bảo lãnh của tỉnh nhưng họ sẽ cân nhắc, xem thử quỹ có thực sự phục vụ lợi ích của doanh nghiệp hay không. Vì hiện điều kiện để được bảo lãnh quá chặt chẽ, nếu đáp ứng đầy đủ theo quy định, doanh nghiệp đã có thể chủ động tiếp cận và vay được vốn ngân hàng chứ không cần qua trung gian bảo lãnh. Thêm vào đó, khi được bảo lãnh vay vốn, doanh nghiệp vừa phải chịu lãi suất vay ngân hàng, vừa chịu phí bảo lãnh nên nếu Nhà nước không có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ nào thì doanh nghiệp sẽ không tìm đến quỹ. Ngoài ra, một điều doanh nghiệp lo ngại nữa là vấn đề thủ tục khi được bảo lãnh. Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước áp dụng cơ chế “một cửa” lúc họ trình hồ sơ bảo lãnh vay vốn, sao cho ngân hàng và hội đồng quản lý quỹ phối hợp thẩm định một lần, chứ không nên tái thẩm định làm mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp. “Chúng tôi sẽ tích cực vận động doanh nghiệp đóng góp để thành lập quỹ nhưng quỹ phải hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thì họ mới mặn mà tham gia”, ông Thọ nói.

 

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Thành Tiến, Phó giám đốc Ngân hàng Phát triển chi nhánh Phú Yên phân tích: Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp được quỹ xem xét bảo lãnh phải đáp ứng 4 điều kiện. Cụ thể, phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay; có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức kinh tế khác. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, doanh nghiệp gần như đã được xếp hạng tín dụng tốt, được các ngân hàng chào mời vay vốn chứ không cần thiết phải chờ đến quỹ bảo lãnh. Cũng theo ông Tiến, hệ thống ngân hàng rất ủng hộ việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Phú Yên vì khi doanh nghiệp được bảo lãnh, ngân hàng sẽ mạnh dạn cho vay hơn. Tuy nhiên, UBND tỉnh nên xem xét có cần thiết phải thành lập quỹ hay không vì nếu thành lập mà điều kiện, thủ tục khắt khe thì doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận. Ngoài ra, nếu thành lập mà quy mô của quỹ quá nhỏ, vốn điều lệ quá eo hẹp thì cũng khó phát huy hiệu quả.

 

Nhiều doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi nhưng thiếu tài sản thế chấp nên cần được bảo lãnh để dễ vay vốn ngân hàng - Ảnh: L.HẢO

 

NGÂN SÁCH ĐI TRƯỚC, CỘNG ĐỒNG THEO SAU

 

Là một trong những người ủng hộ việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Phú Yên, tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ mới lấy ý kiến dự thảo chứ chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên các ngân hàng chưa có căn cứ để triển khai. Tuy nhiên, theo quy định, nếu tham gia góp vốn thành lập quỹ bảo lãnh thì thẩm quyền quyết định là ở hội đồng quản trị các ngân hàng thương mại chứ tại Phú Yên, các ngân hàng chỉ ở cấp chi nhánh nên không thể quyết định được. Trước mắt, nếu quyết tâm, UBND tỉnh cứ trích ngân sách 30 tỉ đồng, đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu để thành lập quỹ. Sau đó, các chi nhánh ngân hàng thương mại ở Phú Yên mới có căn cứ báo cáo, đăng ký với hội sở chính để được phân bổ vốn đầu tư. Trong thẩm quyền của mình, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên sẽ vận động các tổ chức tín dụng tham gia đóng góp, nhất là ưu tiên vốn cho Phú Yên để quỹ có thêm vốn điều lệ, giúp nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được bảo lãnh tín dụng.

 

Liên quan đến nguồn vốn điều lệ tối thiểu 30 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh để thành lập quỹ, theo ông Ngô Bá Lánh, Giám đốc Sở Tài chính, vấn đề này tuy khó nhưng vẫn có thể giải quyết được. Vấn đề khó nhất khi quỹ được hình thành là yếu tố con người. Làm sao để bộ máy quản lý quỹ tinh gọn, hoạt động hiệu quả, mạnh dạn thẩm định để hỗ trợ đúng đối tượng chứ nếu khư khư thủ dẻo thì doanh nghiệp cũng khó được bảo lãnh. “Nếu tất cả các ban ngành, doanh nghiệp và ngân hàng đều ủng hộ, trước mắt, ngân sách sẽ đi trước để quỹ được thành lập; sau đó tiếp tục kêu gọi sự đóng góp của các bên. Ngoài vốn điều lệ, tỉnh còn cần có đề án thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng được HĐND tỉnh thông qua nên trong đề án này, những khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết”, ông Lánh nói.

 

Theo ông Trần Thiện Kim, Phó giám đốc Sở KH-ĐT, Quyết định 58/2013/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời như một giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, việc thành lập quỹ là vô cùng cần thiết. Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nêu trên, ông Kim đề xuất, ngoài quy chế của Chính phủ, UBND tỉnh cần ban hành quy chế hoạt động riêng của quỹ bảo lãnh trên địa bàn tỉnh, sao cho phù hợp với quy chế chung nhưng vẫn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Phú Yên tiếp cận và được bảo lãnh vay vốn sản xuất, kinh doanh.

 

PHÓ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH PHÚ YÊN NGUYỄN VĂN HÀN: UBND tỉnh quyết tâm, quỹ mới thành lập được

 

Theo các quy định trước đây, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỉ đồng, được hình thành từ vốn góp của ngân sách địa phương, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp theo tỉ lệ 1:1:1; nghĩa là mỗi bên phải góp được 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, phần vì ngân sách của tỉnh eo hẹp, phần vì chưa huy động được sự đóng góp của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trên địa bàn nên nhiều năm qua, Phú Yên vẫn chưa thể thành lập quỹ này. Hiện nay, theo Quyết định 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỉ đồng nhưng toàn bộ số tiền này là do ngân sách đầu tư; sau đó mới huy động thêm từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và các nguồn hỗ trợ khác. Như vậy, theo quy định mới, quỹ có thành lập được hay không phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của UBND tỉnh. Khi đã cố gắng bố trí ngân sách để thành lập quỹ, tỉnh cũng sẽ có cách điều hành, quản lý phù hợp nhằm phát huy hiệu quả của quỹ, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp.

 

CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP PHÚ YÊN NGÔ ĐA THỌ: Ưu tiên bảo lãnh cho doanh nghiệp có đóng góp vào quỹ

 

Hội Doanh nghiệp Phú Yên mong muốn UBND tỉnh sớm thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm kênh tiếp cận vốn vay ngân hàng. Hội cũng đề nghị UBND tỉnh có công văn gửi các ngân hàng thương mại kêu gọi đóng góp thành lập quỹ; đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm ban hành thông tư hướng dẫn thi hành Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ để các ngân hàng có căn cứ thực hiện.

 

Về phần mình, Hội Doanh nghiệp Phú Yên sẽ triển khai các quy định liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết; đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Phú Yên tham gia đóng góp để mở rộng quy mô của quỹ. Doanh nghiệp nào có đóng góp, góp nhiều, góp trong thời gian dài thì chúng tôi đề nghị hội đồng quản lý quỹ quan tâm, ưu tiên xem xét bảo lãnh cho doanh nghiệp đó khi họ có nhu cầu được bảo lãnh để vay vốn ngân hàng. Đây cũng chính là động lực để các doanh nghiệp nhiệt tình tham gia xây dựng quỹ.

 

V.AN (ghi)

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek