Thứ Sáu, 24/01/2025 10:49 SA
Hiệu quả từ một mô hình
Thứ Tư, 25/03/2015 09:00 SA

Nông dân xã Sơn Phước được Sở TN-MT phối hợp với các doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng mía bằng máy - Ảnh: M.DUYÊN

Từ mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”, người dân xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) được hỗ trợ bò, tiếp cận với kỹ thuật thâm canh cây mía bằng cơ giới hóa. Đây là nền tảng giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

 

HỖ TRỢ BÒ GIỐNG, GIÚP HỘ NGHÈO VƯƠN LÊN

 

Theo ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở TN-MT, giúp đỡ xã nghèo Sơn Phước, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai cụ thể các hoạt động như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, phát quà dịp lễ tết, nhận nuôi đỡ đầu 1 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc dọn vệ sinh định kỳ để tuyên truyền giữ gìn môi trường sống… Đồng thời tặng bò giống để người dân nhân đàn, phát triển chăn nuôi; xây dựng mô hình thâm canh cây mía để các hộ tiếp cận các phương thức canh tác mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất chất lượng nông sản và giảm sức lao động. Đơn vị làm cầu nối giữa người dân với nhà chuyên môn, các cơ quan, doanh nghiệp, nhằm tạo sự hỗ trợ thiết thực để giúp các hộ nghèo thực sự thoát nghèo.

Trong năm qua, Sở TN-MT đã hỗ trợ 5 con bò cái giống với tổng trị giá 75 triệu đồng cho 5 hộ nghèo trong xã Sơn Phước; đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi bò lai thâm canh cho 50 hộ. Anh Y Móc, một hộ nghèo được nhận bò hỗ trợ chia sẻ: Trước đây kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm. Tôi luôn mong có được con bò để vừa làm sức kéo, vừa nhân đàn giúp tăng thu nhập. Ước mơ đó đã thành hiện thực, khi được Sở TN-MT hỗ trợ 1 con bò, gia đình phấn khởi lắm. Học được kỹ thuật nuôi, tôi về làm chuồng, làm máng và trồng cỏ voi cho bò ăn.

 

Ông Sô Minh Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Phước, cho biết: Con bò lai có ý nghĩa rất lớn trong phát triển chăn nuôi của các hộ dân trong xã. Qua khảo sát của chính quyền xã tại các hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, các hộ này đều có diện tích đất sản xuất, nhưng do không có điều kiện về vốn để đầu tư chăn nuôi, nhất là nuôi bò để hỗ trợ sức kéo, nguồn phân chuồng cho trồng trọt phát triển. Việc được nhận con bò lai giống cái, vừa giúp các hộ này nhân đàn, phát triển chăn nuôi, hỗ trợ trồng trọt, vừa giúp tăng số lượng bò lai, thay thế giống bò địa phương có giá trị thấp, góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Hiện toàn xã có tổng đàn bò gần 1.400 con, với 730 con bò lai, chiếm tỉ lệ 52% tổng đàn. Như vậy, bình quân mỗi hộ có 1 con bò để sinh sản hoặc cày cỏ mía...

 

ĐƯA CƠ GIỚI HÓA VÀO SẢN XUẤT MÍA

 

Trong chiến lược phát triển sản xuất, xã Sơn Phước chọn cây mía là cây trồng chủ lực, với diện tích trồng mía chiếm 80% trong tổng diện tích đất trồng cây hàng năm của xã. Việc trình diễn mô hình thâm canh cây mía để tăng năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông Sô Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Phước, cho biết: Toàn xã có 915 hộ, 3.721 nhân khẩu với 95% là người dân tộc thiểu số như Chăm Hroi, Ba Na, Ê Đê… Số hộ nghèo chiếm 15% dân số toàn xã. Cây mía và con bò lai đang là hướng thoát nghèo hiệu quả cho các hộ đồng bào nơi đây. Mô hình thâm canh cây mía trên diện tích 15ha vừa được Sở TN-MT phối hợp với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long ViNa trình diễn không chỉ giúp người dân tiếp cận các giống mía cho năng suất cao như KK3, K59-156, mà còn thấy được hiệu quả của cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

 

Anh Lâm Xuân Trường, một hộ tham gia mô hình đã sử dụng máy trồng mía vào canh tác vụ mía năm 2015, cho biết: Trên tổng diện tích 15ha đất trồng mía, tôi dành 1,5ha thử nghiệm đưa máy móc vào làm thay thủ công như trước đây. Tôi thấy hiệu quả đem lại rất rõ rệt, cụ thể trên diện tích 1ha, nếu làm thủ công chi phí hết 12 triệu đồng thì làm máy chỉ hết 11 triệu đồng. Về thời gian, làm thủ công phải mất 3 ngày còn làm máy chỉ cần 1 ngày. Quan sát cây mía sau 3 tháng, đến nay tôi cũng nhận thấy khả năng nảy mầm của gốc tốt hơn, lượng phân bón và nước tưới giảm.

 

Tuy nhiên, để sở hữu một máy trồng mía giống, người dân phải bỏ vốn hơn 600 triệu đồng. Điều này rất khó thực hiện đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các hộ nghèo. Để giải quyết vấn đề này, cần sự phối hợp đầu tư, hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp như Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long ViNa… Từ đó tạo được sự liên kết giữa người nông dân với đơn vị cung cấp, đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Ông Lý Văn Thành, Trưởng vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Sơn Hòa thuộc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, cho biết: Công ty sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đối với diện tích mía trồng mới hoặc trồng lại; đầu tư kinh phí cho nông dân mua máy bơm dầu, máy bơm điện không tính lãi; đặc biệt quy hoạch các cánh đồng mía tại xã Sơn Phước thành vùng nguyên liệu mía cho nhà máy, từ đó đảm bảo thu mua toàn bộ sản lượng mía sau thu hoạch.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek