Thứ Sáu, 10/01/2025 04:00 SA
Giải pháp mang lại hiệu quả cho người trồng lúa
Thứ Ba, 28/10/2014 07:41 SA

Nông dân xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) thu hoạch lúa - Ảnh: H.NAM

Thực tế những năm qua cho thấy, hiệu quả sản xuất lúa của nông dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên không cao. Để nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất lúa, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi cao hơn, tại hội thảo Những giải pháp giảm chi phí sản xuất lúa các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổ chức tại Phú Yên vừa qua, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra một số giải pháp cơ bản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. 

 

THỰC TRẠNG SẢN XUẤT LÚA

 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hàng năm, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gieo cấy khoảng 610.000ha lúa, năng suất bình quân khoảng 56 tạ/ha, sản lượng trên 3,4 triệu tấn.  Tuy diện tích không lớn so với cả nước, nhưng sản xuất lúa đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định lương thực tại chỗ, phù hợp với tập quán canh tác của nông dân trong vùng.

 

Những năm qua, các ngành chuyên môn cùng các địa phương đã nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để ứng dụng vào thực tiễn nhưng chi phí sản xuất lúa còn cao, hiệu quả sản xuất còn thấp, đa số nông dân trồng lúa chỉ đủ ăn chứ chưa thể vươn lên khá giả được. Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, vụ lúa hè thu năm 2014 năng suất bình quân đạt 67,3 tạ/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 9,3 triệu đồng/ha. Còn theo Sở NN-PTNT Gia Lai, vụ đông xuân 2013-2014 chỉ có khoảng 1/3 số hộ nông dân sản xuất lúa có lãi; vụ hè thu năng suất lúa bình quân khoảng 50,1 tạ/ha, giá lúa tại thời điểm là 4.667 đồng/kg, trong khi chi phí hơn 25,5 triệu đồng/ha, người nông dân bị lỗ hơn 3 triệu đồng/ha.

 

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Phú Yên), cho biết: “Vụ hè thu năm 2014, tổng diện tích gieo sạ trên địa bàn tỉnh khoảng 24.350ha, năng suất bình quân khoảng 64,3 tạ/ha. Với giá lúa tại thời điểm khoảng 5.270 đồng/kg, trừ các khoản chi phí thì mỗi hécta trồng lúa lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhìn chung, chất lượng lúa gạo ở Phú Yên còn thấp, chưa có doanh nghiệp thu mua lúa gạo lớn nên khâu tiêu thụ thiếu ổn định, do đó thu nhập của người trồng lúa chưa cao”.

 

Ông Nguyễn Như Hiến, chuyên viên Cục Trồng trọt, cho biết: “Qua điều tra cho thấy, phần lớn yếu tố đầu vào như giống, phân bón, làm đất, thu hoạch… nhiều nơi còn cao, gây lãng phí. Nguyên nhân là do lượng giống bà con gieo sạ quá dày, bình quân khoảng 182kg/ha, chi phí giống cao hơn 60 đến 80% so với khuyến cáo. Chi phí làm đất bằng máy biến động lớn khoảng 2,2 đến 3 triệu đồng/ha, nếu thuê máy làm đất với diện tích lớn thì chi phí giảm rất nhiều, khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng/ha. Chi phí thu hoạch cũng khá cao, cao hơn khoảng 50% vì diện tích thu hoạch manh mún, nhỏ lẻ. Phân hữu cơ ít hộ nông dân quan tâm bón cho lúa, trong khi phân vô cơ bón không đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách) nên gây lãng phí”.

 

Hiện chi phí cho việc thu hoạch lúa còn khá cao, vì diện tích thu hoạch còn nhỏ lẻ, chưa có tổ chức đại diện cho nông dân đứng ra đàm phán về giá cả - Ảnh: N.CHUNG

 

GIẢI PHÁP ĐỂ NGƯỜI TRỒNG LÚA CÓ LÃI

 

Để nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất lúa, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi cao hơn, tại Hội thảo Những giải pháp giảm chi phí sản xuất lúa các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổ chức tại Phú Yên, Cục Trồng trọt đã đưa ra một số giải pháp như: Đối với giống gieo sạ khoảng 100 đến 120kg/ha, giống phải đảm bảo chất lượng, ngâm ủ tốt, làm đất kỹ, đảm bảo nước tưới và phòng trừ sâu bệnh hại. Phải lựa chọn giống thích hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, mỗi vùng bố trí gieo sạ 1 đến 2 giống. Cần tổ chức lại sản xuất, mở rộng quy mô diện tích, tiến hành đồng loạt trên diện tích lớn hoặc cả vùng. Cần có tổ chức đại diện cho nông dân (hợp tác xã, chính quyền…) đàm phán với chủ máy làm đất để có giá cả thống nhất và hợp lý. Bón phân trên cơ sở cân đối từng yếu tố dinh dưỡng, bón theo nguyên tắc “4 đúng”. Cần ưu tiên chuyển dịch cơ cấu mùa vụ gắn với cơ cấu giống theo hướng bố trí 2 vụ lúa/năm…

 

Theo ông Nguyễn Như Hiến, để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất lúa cần tổ chức lại quan hệ hợp tác trong sản xuất lúa như tổ hợp tác, hợp tác xã… Ngoài ra cần sản xuất có kế hoạch như gieo sạ đồng loạt trên từng xứ đồng, sử dụng giống có cùng thời gian sinh trưởng và tiến hành thu hoạch đồng loạt để giảm chi phí thuê máy. Mặt khác, cần chủ động đàm phán với đơn vị dịch vụ máy làm đất, thu hoạch, đơn vị cung ứng vật tư, giống, tiêu thụ sản phẩm có lợi cho nông dân.

 

Hình thành hợp tác xã tín dụng cấp xã, liên xã. Thực tiễn sản xuất điều tra từ nông dân cũng như khuyến cáo xây dựng mô hình của các tỉnh cho thấy gieo sạ 100 đến 120kg lúa giống/ha, năng suất lúa không giảm mà còn cao hơn gieo sạ dày. Cần sớm tổ chức lại các khâu sản xuất cung ứng giống, làm tốt khâu ngâm ủ, làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng, xử lý nước trước và sau khi gieo tốt có thể giảm 50 đến 80% chi phí mua giống. Khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý và tăng cường sử dụng phân hữu cơ. Sắp xếp lại lịch thời vụ gắn với bố trí cơ cấu giống theo từng vùng sinh thái là yêu cầu cấp thiết trong chỉ đạo điều hành sản xuất lúa để tận dụng tốt tiềm năng lợi thế, đồng thời tránh né những bất lợi.

 

NGỌC CHUNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek