Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (viết tắt TPP) là thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nội dung nổi bật của hiệp định là xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với các nước thành viên. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp dệt may trong nước, trong đó có một số doanh nghiệp ở Phú Yên, nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức.
CƠ HỘI TÌM KIẾM ĐỐI TÁC
Ngày 8/10/2014, Bộ Công thương ban hành Quyết định 9028/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu ngành công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt may đạt tỉ lệ cung cấp trong nước 65%; đồng thời xác định các giải pháp thực hiện: hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ… Các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi theo từng đối tượng cụ thể. |
Hiệp định TPP với sự tham gia của 12 nước: New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Úc, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản. Đây là những thị trường truyền thống của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta vào các nước trong nhóm TPP chiếm 60%; trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 43%, Nhật Bản chiếm 12%. Do vậy, TPP sẽ tạo cơ hội lớn đối với ngành Dệt may nói riêng và công nghiệp Việt Nam nói chung.
Hiện nay, mức thuế suất các doanh nghiệp dệt may khi vào thị trường Mỹ bình quân ở mức 17,5%, tại thị trường EU là 9,6%. Nếu các vòng đàm phán của Hiệp định TPP thành công thì mức thuế suất của ngành Dệt may vào thị trường các nước trong khu vực trên giảm còn 0%. Ông Bùi Xuân Khương, Phó giám đốc Công ty cổ phần An Hưng, cho biết: Hiện các đối tác quan trọng của công ty chủ yếu là các nước nằm trong nhóm TPP; trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến 70%. Do vậy, nếu loại bỏ được các rào cản thông thường và hưởng chính sách ưu đãi về thuế của các nước trong khu vực thì đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp nâng cao giá trị xuất khẩu. Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên (thuộc Tập đoàn May mặc Phong Phú, Hiệp định TPP thực sự là thời cơ để các doanh nghiệp may mặc Phú Yên mở rộng quy mô, tìm kiếm thêm đối tác trong khu vực để hưởng những ưu đãi thực sự hấp dẫn.
LẮM THÁCH THỨC
Bên cạnh những ưu đãi lớn, Hiệp định TPP cũng tiềm ẩn nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng. Theo các doanh nghiệp may mặc ở Phú Yên, để hưởng được những chính sách ưu đãi từ Hiệp định TPP, Mỹ đưa ra nguyên tắc xuất xứ “tính từ sợi”. Nghĩa là các nguyên phụ liệu may mặc, “tính từ sợi” phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc các nước thành viên trong khối TPP. Nếu không đạt các điều kiện trên thì không được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng vẫn phải chấp nhận mức thuế nhập khẩu 0% cho những nước thành viên TPP khác đủ điều kiện. Trong khi đó, hiện phần lớn nguyên liệu của ngành Dệt may Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc - nước nằm ngoài khối TPP. Do vậy, yêu cầu xuất xứ “tính từ sợi” là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Bùi Xuân Khương, hiện có đến 70% nguyên liệu may mặc trong nước có nguồn gốc từ Trung Quốc và một ít nhập từ Hàn Quốc. Trong khi đó, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn rất hạn chế; chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nguyên liệu cho ngành Dệt may trong nước. Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng: Hưởng lợi từ Hiệp định TPP chỉ có thể là các tập đoàn may mặc lớn, chủ động được nguồn nguyên liệu. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì những ràng buộc của TPP gây bất lợi nhiều.
Đối với Công ty TNHH Xuất khẩu Cavina, bà Nguyễn Thị Thu Vinh - Phó giám đốc công ty này cho biết, trước những thách thức trên, công ty đang ráo riết tìm kiếm thêm các đối tác cung cấp hàng phụ liệu may mặc, nhưng rất ít doanh nghiệp đáp ứng được.
VẪN MẠNH DẠN ĐẦU TƯ
Trước những ưu đãi lớn từ Hiệp định TPP mang lại, dự kiến trong năm tới, các nhà đầu tư sẽ đầu tư mạnh vào ngành Dệt may Việt Nam. Nắm bắt xu thế này, thời gian qua, Công ty cổ phần An Hưng đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; xây dựng thêm nhà xưởng, nâng cao công suất lên 44 chuyền may; năng lực sản xuất đạt 7 triệu sản phẩm/năm nhằm góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, công ty cũng chủ động tìm kiếm thêm các nguồn cung cấp nguyên liệu phụ trợ may mặc tại các nước trong khối TPP để thay thế dần nguyên liệu của các nước ngoài khối này.
Còn ông Nguyễn Tiến Dũng, cho biết: Trước đây các doanh nghiệp chỉ đầu tư xưởng may mà chưa chú trọng đến các khâu phụ trợ, hoàn thiện sản phẩm; còn hiện nay, các đối tác đều có yêu cầu sản phẩm sau may phải đáp ứng các tiêu chí về thông số kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh trước khi giao sản phẩm. Bên cạnh đó, các thương hiệu may mặc lớn đều có nhu cầu sử dụng logo thêu và họa tiết thêu trên sản phẩm. Nắm bắt xu hướng này, công ty đã đầu tư thêm 1 phân xưởng gồm máy thêu và các công đoạn hoàn tất sản phẩm sau may để chủ động về công nghệ và thời gian làm việc, tiết kiệm chi phí, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Công ty cũng nâng quy mô lên 10 chuyền sản xuất và xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp sang các nước để đáp ứng các đơn hàng theo hình thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
“Bên cạnh việc đầu tư máy móc hiện đại, đồng bộ, một số tập đoàn may mặc lớn trong nước cũng chủ động đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành Dệt may như chỉ, nhuộm, dây kéo, vải… để chủ động hơn về nguyên phụ liệu sản xuất. Vừa qua, Tập đoàn May mặc Phong Phú muốn đầu tư nhà máy nhuộm tại Phú Yên nhưng vẫn chưa tìm được vị trí thích hợp”, ông Dũng cho biết thêm.
NGÔ XUÂN