Thông tư 22/2013 của Bộ KH-CN quy định về quản lý trọng lượng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu hành trên thị trường đã có hiệu lực hơn 4 tháng, nhưng đến nay nhiều chủ doanh nghiệp vàng ở Phú Yên vẫn chưa hiểu rõ nội dung này khiến việc kinh doanh gặp nhiều lúng túng.
Qua tìm hiểu, chủ một số doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Phú Yên chia sẻ, Thông tư 22 có nhiều quy định dễ gây rối và không phù hợp với thực tế. Bà Lê Thị Ngọc Yến, Chủ DNTN kinh doanh vàng Kim Yến (huyện Đông Hòa) nói: Tôi có nghe các phương tiện thông tin đại chúng nói về thông tư của Bộ KH-CN quy định trong lĩnh vực kinh doanh vàng, nhưng không rõ lắm. Tuy nhiên, theo tôi không nên quy định tiêu chuẩn và ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ quá chi tiết, vì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện. “Hàng ngày, chúng tôi mua số lượng lớn vàng với nhiều thương hiệu vàng khác nhau, nếu thực hiện ghi nhãn lại thì sản phẩm sẽ bị hư, vì sản phẩm nữ trang thường nhỏ và mỏng. Nhưng nếu hủy sản phẩm và gia công lại thành hàng mới thì rất tốn kém chi phí do phải đầu tư thêm máy móc”, bà Yến cho biết.
Trong khi đó, đại diện DNTN kinh doanh vàng Ngọc Thạch (TP Tuy Hòa) cho rằng, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Thông tư 22 có 2 nội dung chính. Thứ nhất là phân hạng theo hàm lượng vàng. Vấn đề này không có gì phải bàn, vì doanh nghiệp dễ thực hiện. Tuy nhiên, mấu chốt là ở nội dung thứ 2 phân hạng theo Kara (K), Thông tư 22 quy định rất nhiều chuẩn, từ 8K đến 24K, tương ứng với hàm lượng từ 33,3% đến 99,9% khiến doanh nghiệp khó điều chỉnh cho phù hợp.
Trái ngược với sự lúng túng của các doanh nghiệp vàng, nhiều người kỳ vọng việc ghi rõ ràng thông tin và hàm lượng vàng giúp hoạt động kinh doanh vàng minh bạch hơn và người tiêu dùng yên tâm khi mua vàng. Ông Nguyễn Ngọc Vinh ở TP Tuy Hòa, nói: Tôi tìm hiểu kỹ quy định Thông tư 22 của Bộ KH-CN. Theo đó, hàm lượng vàng trong trang sức, mỹ nghệ 24K không nhỏ hơn 99,9%, 20K không nhỏ hơn 83,3%, 18K không nhỏ hơn 75%... Giới hạn sai số vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%, vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%. Lâu nay thị trường tồn tại tình trạng ăn gian tuổi vàng khiến người tiêu dùng bị thiệt thì quy định này sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Phú Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH-CN Phú Yên) cho biết, ngay sau khi Thông tư 22 có hiệu lực (1/6/2014), chi cục đã tổ chức hội nghị tập huấn để chủ các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh nắm rõ những nội dung chính của thông tư và áp dụng vào thực tế kinh doanh. Ông Hà cho rằng, Thông tư 22 không quy định hình thức công bố chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường mà doanh nghiệp tự chọn hình thức phù hợp với đơn vị và tự công bố cũng như chịu trách nhiệm với người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước.
“Quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông là vấn đề rất phức tạp, vì vậy việc Bộ KH-CN ban hành Thông tư 22 là cần thiết nhằm hệ thống tiêu chuẩn về đo lường và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Sắp tới, Tổng cục Đo lường - Chất lượng ban hành hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Thông tư 22 thì chi cục sẽ tiếp tục phổ biến đến chủ các doanh nghiệp vàng dễ triển khai hơn”, ông Hà nói.
MINH ĐĂNG