Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 41) theo hướng mở rộng điều kiện cho vay. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên cho biết:
- Sau 4 năm thực hiện, Nghị định 41 đã góp phần khai thông nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện giúp người dân ở khu vực nông thôn và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nghị định này cũng có bất cập khi quy định những hộ tuy có hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng ở phường, thị trấn thì không được thụ hưởng chính sách. Khi địa giới hành chính có sự thay đổi, một số khu vực trước đây là nông thôn, nay trở thành thành thị thì người dân ở đây cũng không được vay vốn theo Nghị định 41.
* Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định 41 diễn ra vào cuối năm 2013, NHNN chi nhánh Phú Yên đã đưa ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nghị định này. Vậy dự thảo lần này có góp phần tháo gỡ những khó khăn đã nêu ra không, thưa ông?
- Trong dự thảo lần này, NHNN đã bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Nghị định 41 để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà Phú Yên cũng như các địa phương khác kiến nghị. Cụ thể, đối tượng vay vốn đã được mở rộng, người dân chỉ cần tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là có thể được cấp tín dụng chứ không bắt buộc phải ở địa bàn nông thôn như trước. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 cũng nâng hạn mức cho vay không có tài sản đảm bảo với mức tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; tối đa 1 tỉ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp…; đồng thời quy định trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội bảo lãnh cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình.
Theo dự thảo, các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng để sản xuất kinh doanh được miễn các loại phí, lệ phí; ngân hàng mua bảo hiểm tín dụng đối với khoản cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các hộ dân và doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao sẽ được cấp tín dụng tối đa đến 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, hay dự án liên kết và 80% giá trị dự án sử dụng thiết bị công nghệ cao… tạo động lực cho người dân mạnh dạn vay vốn làm ăn trên quy mô lớn hơn; đồng thời được ưu tiên gia hạn nợ khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh)…, trường hợp thiệt hại nặng, được khoanh nợ đến 3 năm.
Khi Nghị định 41 được bổ sung, sửa đổi, người dân ở khu vực thành thị có sản xuất nông nghiệp sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trong ảnh: Người dân phường 9 (TP Tuy Hòa) vào vụ trồng cúc bán tết. - Ảnh: L.HẢO |
* Theo ông, làm thế nào để khuyến khích các ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay vốn theo Nghị định 41?
- Để khuyến khích các ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay vốn lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, NHNN đã sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 theo cơ chế ưu tiên cho các ngân hàng đầu tư cho vay lĩnh vực này. Cụ thể, các ngân hàng được giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc; ưu tiên cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp và mới nhất theo dự thảo thì ưu tiên thành lập các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh, địa bàn nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn để triển khai chính sách. Các ngân hàng thương mại được xác định tài sản có rủi ro trong tính toán tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu như đối với khoản vay có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của khách hàng, với giá trị khấu trừ khi xác định mức trích lập dự phòng cụ thể tối đa bằng 50% giá trị khoản vay. Ngoài ra, các ngân hàng còn được ưu tiên tối đa nguồn vốn từ hội sở, vốn vay với lãi suất thấp từ các dự án, tổ chức nước ngoài để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn…
Tại địa phương, ngành Ngân hàng Phú Yên kiến nghị lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và cả xã, phường, thị trấn cùng các cơ quan đoàn thể tích cực tuyên truyền để các hộ nông dân, người vay có ý thức trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng. Các cấp chính quyền cũng cần hỗ trợ tối đa cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu phát sinh. Có như vậy ngân hàng mới mạnh dạn đầu tư cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
* Các ngân hàng ở Phú Yên chuẩn bị nguồn vốn ra sao để cho vay theo Nghị định 41 sửa đổi khi đối tượng vay được mở rộng và mức vay được nâng lên?
- Đến nay, tổng nguồn vốn các ngân hàng thương mại ở Phú Yên huy động được là 9.905 tỉ đồng, tăng 13,4% so với đầu năm; dư nợ cho vay theo Nghị định 41 là 5.082 tỉ đồng, tăng hơn 13,6% so với đầu năm, chiếm 48,7% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 113.280 hộ còn dư nợ cho vay theo Nghị định 41, mức vay bình quân 40 triệu đồng/hộ. Với tình hình huy động vốn của các ngân hàng thương mại như hiện nay thì các ngân hàng vẫn đủ đáp ứng nhu cầu vốn vay cho lĩnh vực này theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 41.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ HẢO (thực hiện)