Mùa mưa bão là thời điểm nguy cơ sử dụng điện mất an toàn ở mức cao. Để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra, ngành Điện lực đã triển khai những giải pháp gì? Báo Phú Yên phỏng vấn ông Lê Minh Trung, Phó giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, về vấn đề này.
* Thưa ông, mùa mưa bão đang đến gần, vậy Công ty Điện lực Phú Yên có kế hoạch gì để đảm bảo cấp điện an toàn?
- Hiện nay, Công ty Điện lực Phú Yên đang quản lý và vận hành 1.664 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 295,3622MVA; 1.677,4km đường dây 22Kv; 2.151,33km đường dây hạ áp với trên 236.000 khách hàng sử dụng điện. Với một khối lượng lớn công việc như vậy, công ty đã triển khai phương án phòng chống lụt bão năm 2014 đến điện lực trực thuộc ở các huyện, thị xã, thành phố để chủ động trong việc quản lý và vận hành lưới điện an toàn trong mùa mưa bão. Mục tiêu của ngành Điện lực là đảm bảo an toàn cho người và trang thiết bị; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cụ thể, công ty chỉ đạo các điện lực trực thuộc lập phương án phòng chống lụt bão, phương án cấp điện trong mùa mưa bão theo thực tế lưới điện và phụ tải; tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão và xử lý sự cố lưới điện, diễn tập khắc phục sự cố, khắc phục hậu quả sau mùa lụt bão. Đến nay, công tác này cơ bản đã hoàn thành, Công ty Điện lực Phú Yên cũng đã gửi kế hoạch phòng chống lụt bão lên UBND tỉnh, Tổng công ty Điện lực Miền Trung và các địa phương để chủ động theo dõi, phối hợp.
* Những khu vực nào là trọng yếu cần quan tâm trong mùa mưa bão, thưa ông?
- Hiện công ty đang triển khai công tác kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện. Các điện lực trực thuộc tổ chức tổng kiểm tra hệ thống lưới điện, xử lý nhanh các tồn tại có khả năng gây ảnh hưởng đến an toàn đường dây, trạm biến áp cũng như các vị trí có nguy cơ làm mất an toàn hành lang lưới điện; đồng thời tập trung ở những nơi có nhiều dốc, ao, hồ, sông suối, các vùng trũng, hay xảy ra ngập lụt cục bộ tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh… Đến nay, đơn vị đã cơ bản xử lý xong các điểm có nguy cơ mất an toàn cao, khu vực có nhiều người qua lại để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.
Tại các khu vực nông thôn, một số lưới điện hạ áp mới tiếp nhận chưa được đầu tư sửa chữa, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, đơn vị đã tập trung thay thế các thùng công tơ sắt cũ nát bằng thùng composite, xử lý các cột điện tạm bợ có khả năng ngã đổ và đường dây quá tải để đảm bảo cấp điện an toàn cho người dân.
* Còn công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão triển khai như thế nào?
- Trong mùa mưa bão, nguy cơ mất an toàn điện có thể xảy ra ở những vùng bị ảnh hưởng bão lụt. Do vậy, bản thân mỗi người dân phải chủ động tự phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Mỗi người dân nên chủ động trang bị kiến thức sử dụng điện an toàn và cùng tuyên truyền, phổ biến cho gia đình, bạn bè để chủ động phòng tránh, xử lý đúng cách khi có tai nạn điện xảy ra.
Vào thời gian trước, trong và sau mưa bão, các điện lực tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân chặt tỉa cây lớn ở trong và ngoài hành lang tuyến, có khả năng ngã đổ vào đường dây, gây sự cố mất an toàn cho lưới điện. Ngành Điện lực cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng điện an toàn bằng nhiều hình thức khác nhau, như: tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, pa nô, áp phích, thông báo qua hệ thống đài truyền thanh xã…
Để chủ động phòng tránh tai nạn điện xảy ra trong mùa mưa bão, Công ty Điện lực Phú Yên khuyến cáo người dân không nên trú mưa ở các khu vực cột điện, trạm biến áp; không chạm vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao điện. Người dân cũng hạn chế lên sân thượng, mái nhà hay các khu vực có đường dây điện đi qua; đồng thời chủ động sửa chữa các đường dây, thiết bị điện ngoài trời để tránh bị mưa ướt, rò rỉ điện…
Khi trời mưa bão, các hộ tại khu vực ngập lụt nên chủ động ngắt nguồn điện ở những vị trí trong nhà bị ngập nước hoặc ướt do mưa tạt, dột nước; lắp các đường dây dẫn điện, ổ cắm, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường bị ngập, ẩm ướt…
* Xin cảm ơn ông!
NGÔ XUÂN