Toàn tỉnh có 13 hợp tác xã (HTX) có dịch vụ thu gom, xử lý rác thải. Năm 2014, 7 HTX trong số đó được Sở TN-MT công nhận là tập thể vì môi trường. Tuy nhiên, để có thể duy trì và phát triển dịch vụ này, các HTX đang gặp rất nhiều khó khăn.
THU KHÔNG ĐỦ CHI
Tại các HTX, nguồn thu duy nhất của dịch vụ thu gom, xử lý rác thải là từ phí vệ sinh do người sử dụng dịch vụ trả. Nhiều năm nay, do ý thức người dân về nộp phí vệ sinh còn hạn chế nên các HTX mới chỉ thu được từ 60% đến 80% trong tổng số hộ sử dụng. Thêm vào đó, các HTX còn phải chịu 10% thuế như các dịch vụ kinh doanh khác, trong khi đây chỉ là dịch vụ công ích, lấy thu bù chi.
Ông Lê Ngọc Cửu, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp (NNKDTH) Hòa Phong (huyện Tây Hòa), cho biết: HTX mở dịch vụ thu gom rác thải vào tháng 6/2012. Hiện đơn vị đã có 2.361 hộ dân tham gia dịch vụ, doanh thu hàng năm hơn 100 triệu đồng, nhưng số tiền lãi đưa vào quỹ môi trường để duy trì hoạt động chỉ hơn 10 triệu đồng. Số tiền này không đủ để HTX tu sửa, bảo dưỡng cho các phương tiện thu gom vận chuyển rác. Cái được lớn nhất của HTX khi làm dịch vụ là người dân đã có thói quen dồn rác vào sọt để tập kết lên xe của HTX; giảm lượng rác vứt bừa bãi xuống kênh mương, đường làng, ngõ xóm hay những nơi công cộng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó giám đốc HTX NNKDTH Hòa An Tây (huyện Phú Hòa), địa bàn do HTX quản lý trải dài trên trục đường liên xã và quốc lộ 25, với 1.987 hộ gia đình, 98 hộ kinh doanh và 12 doanh nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn HTX quản lý còn có 3 chợ và 1 điểm tiểu thủ công nghiệp. HTX thu gom bằng 2 xe công nông với 2 công nhân có nhiệm vụ thu gom rác trên 50 tuyến giao thông tại 8 đội. Tuy nhiên, HTX gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối trong thu chi dịch vụ, vì mức thu đối với hộ gia đình chỉ 7.000 đồng/hộ/tháng, 20.000 đồng/hộ/tháng đối với hộ kinh doanh và 50.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp. Nếu 100% đối tượng nộp đủ phí dịch vụ thì HTX thu hơn 16 triệu đồng/tháng. HTX chi thuê xe vận chuyển, lương công nhân, mua bảo hộ lao động, trích hỗ trợ cho người đi thu phí và chi công tác quản lý điều hành… gần 13 triệu đồng/tháng. Nhưng do tỉ lệ thu phí trong hộ gia đình chỉ đạt 69%, nên HTX bị lỗ. Cụ thể, từ tháng 8 đến tháng 12/2013, số tiền phải thu hơn 66 triệu đồng, nhưng chỉ thu được hơn 46 triệu đồng, vì vậy HTX phải sử dụng vốn hoạt động bù vào để tiếp tục duy trì dịch vụ.
THIẾU ĐẦU TƯ, QUY TRÌNH XỬ LÝ RÁC LẠC HẬU
Tại hầu hết các HTX có triển khai dịch vụ thu gom và xử lý rác thải trong tỉnh, hầu hết xe chở rác là xe công nông, trong khi đó thùng đựng rác lại là loại thùng chuyên dụng chỉ sử dụng cho xe ép rác. Sự không đồng bộ về phương tiện trong thu gom rác càng khiến HTX gặp nhiều khó khăn. “9 thùng rác của Hội Nông dân xã hỗ trợ là thùng chuyên dụng nên vừa cao vừa sâu. Xe chở rác của HTX không có móc kéo nên công nhân vệ sinh của HTX phải dùng tay kéo rác ra rồi mới có thể hốt bỏ lên xe”, ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc HTX Hòa Thắng 2, cho biết.
Thêm vào đó, trong công tác vệ sinh môi trường, các HTX mới chỉ làm tốt việc thu gom rác thải, còn xử lý chất thải rắn và chất thải độc hại như chai lọ thuốc trừ sâu… vẫn chưa đủ khả năng xử lý triệt để. Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX NNKDTH Hòa Trị 2 (huyện Phú Hòa), cho biết: Để tập hợp, xử lý rác, UBND xã Hòa Trị quan tâm đầu tư xây dựng thêm 1 lò đốt rác với kinh phí hơn 16 triệu đồng cùng 1 bãi rác Gò Đỗ. Hiện HTX mới chỉ xử lý theo cách chôn, đốt bình thường, còn việc vận hành lò đốt để xử lý rác theo đúng quy trình thì HTX chưa đủ khả năng. Nguyên nhân do lò đốt rác không đúng quy trình kỹ thuật. Thực tế vận hành cho thấy chỉ rác khô đưa vào lò mới xử lý triệt để, còn chất thải rắn như mảnh chai, gương vỡ... thì không thể xử lý được. Để giải quyết tình trạng này, trước mắt HTX chỉ biết vận động bà con không nên để chất thải rắn trộn lẫn với rác sinh hoạt hàng ngày.
Theo ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nếu năm 2013 trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 HTX nhận giải thưởng về môi trường từ dịch vụ thu gom rác thải, thì năm 2014 tăng lên 7 đơn vị. Đây là sự cố gắng đáng ghi nhận của các HTX trong việc góp phần cùng địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay do nguồn thu hạn hẹp, cơ sở hạ tầng và phương tiện lạc hậu nên dịch vụ này bộc lộ những hạn chế.
MINH DUYÊN