Ngày 24/8, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,22% so với tháng trước đồng thời tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng này đã khiến CPI trong 8 tháng qua nhích nhẹ 1,84% (so với tháng 12/2013) và CPI bình quân tám tháng tăng 4,73% so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng 8/11 nhóm trong rổ hàng hóa tính chung, với mức tăng từ 0,06%-0,45%. Theo đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng cao nhất là 0,45%.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết nguyên nhân tăng chỉ số CPI tháng này là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng cường thu mua gạo để xuất khẩu nên giá gạo ở các tỉnh miền Nam tăng.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho ngày rằm tháng 7 tăng cùng với chi phí đầu vào tăng nên giá các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gà và thủy hải sản tươi sống tăng cao. Ngoài ra, tháng 8 học sinh sẽ chuẩn bị vào năm học 2014-2015 nên nhu cầu mua sắm quần áo, giầy dép và sách vở tăng hơn tháng trước.
Theo báo cáo phân tích từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá lương thực tháng 8 có mức tăng cao nhất là 0,45% là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở các tỉnh miền Nam tăng cường thu gom gạo để thực hiện các hợp đồng giao hàng (hiện khoảng 2 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng nhưng chưa giao hàng.)
Tính đến ngày 31/7, cả nước đã xuất khẩu 3,6 triệu tấn gạo, đặc biệt năm nay các hợp đồng xuất khẩu gạo cho Philippines và Malaysia được ký vào thời điểm cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè Thu đã góp phần tăng giá lương thực trong nước. Ngoài ra, khối lượng xuất khẩu gạo qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch khá lớn cũng tác động khiến giá bán buôn và bán lẻ tăng theo.
Trong khi đó, giá gạo ở các tỉnh miền Bắc giảm do các tỉnh miền Bắc vừa thu hoạch vụ đông xuân với năng suất cao, nguồn cung dồi dào nên giá gạo tẻ thường giảm từ 500 đồng/kg-1.000 đồng/kg tùy từng loại.
Tuy nhiên bên cạnh những yếu tố gây tăng giá, bà Ngọc cũng chỉ ra một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng này, như giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định. Đơn cử, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh trong 3 đợt (vào các ngày 18/7 và 28/7 và ngày 7/8, theo đó giá xăng giảm 730đ/lít, giá dầu diezel giảm 650đ/lít, giá dầu hỏa giảm 630đ/lít) nên chỉ số giá xăng dầu giảm 0,16% so tháng trước đồng thời chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng cũng giảm 0,15% so với tháng trước.
Trong tháng, một số nhóm hàng cũng có sự giảm giá, như giá gas bình quân tháng 8 giảm 1,41% (do các doanh nghiệp kinh doanh gas giảm 12.000 đồng /bình 12kg từ ngày 1/8, hiện giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 384.000đ/bình 12kg, bởi giá gas thế giới tháng 8 khoảng 790USD/tấn, giảm 40USD/tấn so với giá tháng 7) Ngoài ra, giá dầu hỏa gần đây cũng được điều chỉnh 3 đợt (vào ngày 18/7, 28/7 và 7/8 với mức tổng giảm 630 đồng /lít.) “Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng đã ổn định do tháng này đang là mùa mưa nên nhu cầu xây dựng chững lại”, bà Ngọc cho biết.
Trong tháng 8, chỉ số giá vàng trong nước cũng giảm 0,34% do biến động theo giá vàng thế giới và giá USD trên thị trường tự do cũng giảm 0,26%.
Theo Vietnam+