Để người dân thoát nghèo, thời gian qua xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang trồng mía, lai tạo đàn bò. Nhờ vậy mà đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Sơn Phước có 915 hộ, 3.721 nhân khẩu, với 5 dân tộc anh em: Kinh, Chăm H’roi, Ba Na, Ê Đê, Xà Tiên sinh sống đan xen ở các khu dân cư. Ông Sô Minh Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Phước cho biết: Là một địa phương vùng bán sơn địa với nền sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa thổ và một số hoa màu khác lệ thuộc vào nước trời, người dân sản xuất theo tập quán cũ, nên năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế. Hầu hết bà con người đồng bào nhận thức chưa cao, nhất là việc trồng cây gì, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như thế nào vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao vẫn còn là chuyện mới mẻ. Để đồng bào từ bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến xóa nghèo, nhiều mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, có giá trị kinh tế cao như: trồng lúa nước, bắp lai, cao su, mía, cây ăn trái, nuôi bò lai... đã được xã triển khai đến các hộ dân.
Từ khi thực hiện chủ trương của Đảng bộ huyện Sơn Hòa về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển cây mía và chăn nuôi bò lai, đời sống của nhân dân đã có những bước chuyển biến cơ bản. Cách đây 5 năm, xã Sơn Phước chỉ có 1.763ha mía, đến năm 2014 tăng lên 1.970ha mía, chiếm 80% diện tích cây trồng hàng năm của xã. Với năng suất bình quân 52 tấn/ha, hàng năm xã Sơn Phước cung cấp trên 100.000 tấn mía nguyên liệu cho các nhà máy đường trên địa bàn huyện.
Hiện xã Sơn Phước có 7 hộ lập trang trại trồng mía, sắn, chăn nuôi bò với quy mô từ 7 đến 10ha, mỗi năm cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng/hộ. Ông Nguyễn Hồng Hà ở thôn Tân Bình trồng mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích gần 20ha, chia sẻ: “Mấy năm gần đây, mía được mùa, được giá, nhờ vậy mà gia đình tôi có thu nhập cao, đời sống ổn định hơn trước rất nhiều”.
Tỉ lệ hộ nghèo xã Sơn Phước cách đây 5 năm chiếm trên 40% (hơn 360 hộ), đến cuối năm 2013 giảm còn 159 hộ và đến cuối tháng 7/2014 chỉ còn 136 hộ nghèo. Toàn xã có 33 hộ giàu, 270 hộ khá, 340 hộ trung bình. Ông Ma Giảng trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhờ trồng mía, chăn nuôi bò, nay đã vượt qua khó khăn. Ma Giảng tâm sự: Nhờ tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông mà tôi nắm bắt được cách chọn giống mía, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc… nên ruộng mía đạt năng suất 70 tấn/ha. Nhờ vậy mà thu nhập của các thành viên trong gia đình tăng lên 3 triệu đồng/người/tháng”.
Diện mạo của xã Sơn Phước hôm nay khang trang, gần 90% hộ dân có nhà xây cấp 4, nhiều hộ khá còn xây được nhà tầng kiên cố, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện. Ông Sô Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Phước, cho biết: Ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Đảng bộ xã luôn chú trọng đến công tác dân tộc, như: hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất; các chương trình 134, 135 được triển khai đến tận người dân. Công tác y tế, văn hóa, giáo dục không ngừng được củng cố và phát triển. Xã có 2 thôn sử dụng hệ thống nước sạch, người dân đóng góp gần 500 triệu đồng xây dựng 5 nhà văn hóa cộng đồng. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở xã được giữ vững, đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình...
KIM CHI - LÊ KHA