Nhờ chuyển một số diện tích lúa 1 vụ, cho năng suất thấp sang mô hình trồng các loại cây có giá trị kinh tế kết hợp nuôi cá…, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mang lại doanh thu cao, tăng thu nhập cho các thành viên trong HTX.
TĂNG THU NHẬP
Đến nay, sản phẩm rau sạch an toàn trồng tại HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc (HTX Bình Ngọc) và trồng rau VietGAP tại Hòa Kiến 1 ở TP Tuy Hòa được nhiều người biết đến. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc HTX Bình Ngọc cho biết: Hiện 20ha rau các loại của HTX đem lại doanh thu khoảng 800 triệu đồng/năm. Người trồng rau bán ra trung bình từ 120kg rau đến 150kg/ngày cho Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa và từ 300kg đến 500kg/ngày cho thương lái. So với trồng lúa thì trồng rau cho thu nhập cao gấp 3 đến 5 lần. Với 2 kênh tiêu thụ này, người trồng rau luôn đảm bảo thu nhập ổn định và có lãi từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng/sào tùy từng loại rau.
HTX Bình Kiến 2 (TP Tuy Hòa) đang thành công với mô hình trồng nấm linh chi và nấm bào ngư. Ông Nguyễn Đồng Minh, Giám đốc HTX Bình Kiến 2 cho biết: Khi bắt đầu triển khai mô hình, HTX được Phòng Kinh tế TP Tuy Hòa hỗ trợ 10.000 bịch phôi nấm và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, sau gần 5 tháng, nấm đang cho thu hoạch với sản lượng cao (gần 200kg nấm linh chi và 1 tấn nấm bào ngư). Với giá bán như hiện nay, nấm bào ngư có giá từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg và nấm linh chi khô từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/kg nên thu nhập của người trồng nấm cao hơn nhiều so với cây lúa.
Tại HTX Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (HTX Hòa Phong, Tây Hòa), mô hình trồng dâu nuôi tằm thử nghiệm trước kia nay đã phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ông Lê Ngọc Cửu, Giám đốc HTX Hòa Phong cho biết: Năm 2007, thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống về trồng dâu nuôi tằm. Để duy trì và phát triển làng nghề theo hướng bền vững, HTX Hòa Phong khuyến khích người dân sản xuất, nâng cao chất lượng, số lượng kén tằm bằng cách sau mỗi vụ thu hoạch kén, HTX sẽ khen thưởng, động viên kịp thời những hộ nuôi đủ số lứa tằm, đạt chất lượng và có thu nhập cao. HTX cũng hợp tác với các đơn vị kinh doanh để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, HTX có 8,3ha diện tích trồng dâu nuôi tằm với 51 hộ nuôi. Hàng năm các hộ nuôi được 5 lứa tằm, thu về 84,5 hộp trứng cho sản lượng kén hơn 2,4 tấn, đạt doanh thu hơn 250 triệu đồng.
NHÂN RỘNG MÔ HÌNH
Hơn 1 năm nay, HTX Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Phú Lâm (TP Tuy Hòa) triển khai mô hình trồng cây diệp hạ châu. Ông Huỳnh Minh Lý, Giám đốc HTX này cho biết 15 hộ thành viên của HTX tham gia trồng cây diệp hạ châu trên diện tích 5ha; năng suất đạt 19 tấn/ha. Tuy mới được triển khai hơn 1 năm nay nhưng đã cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm (1 năm 2 vụ thu hoạch), cao hơn nhiều lần trồng lúa. Để mở rộng diện tích trồng cây diệp hạ châu, UBND tỉnh chọn phường Phú Thạnh triển khai dự án phát triển làng nghề trồng cây diệp hạ châu. Theo đó, các hộ tham gia dự án được vay 500 triệu đồng từ Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh, với lãi suất 0,65%/tháng, thời hạn vay 2 năm, để mua máy bơm nước, phân bón, giống cây…
Còn HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam (Phú Hòa) đang phối hợp với UBND xã thí điểm mô hình trồng sen cao sản kết hợp nuôi cá trên diện tích 3ha. Ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX chia sẻ: Ngoài thu nhập từ các loại cá thì hạt sen, ngó sen đều là những nông sản có thể tiêu thụ trên thị trường. Thực hiện mô hình này trên diện tích 3ha, kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 17 triệu đồng gồm tiền giống sen (3.000 gốc) và 15kg cá giống các loại. Hiệu quả kinh tế so với cây lúa là ở chỗ tốn ít công chăm sóc, không phải đầu tư phân thuốc, thời gian tận thu kéo dài trong vòng 5 năm mới phải đầu tư lại. Mô hình thành công, HTX sẽ cải tạo diện tích đầm trũng, chỉ cấy được 1 vụ lúa để hình thành các đầm sen nuôi cá.
Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, các HTX đã phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác chuyển đổi cây trồng, tạo ra các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó mang lại doanh thu, nâng cao đời sống thành viên HTX. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các HTX là tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản để không còn tình trạng được mùa thì mất giá. Để giải quyết khó khăn này, bên cạnh việc nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, các HTX cần tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, các đơn vị tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
BẠCH VÂN