Nhờ đa dạng dịch vụ sản xuất kinh doanh nên các HTX trên địa bàn tỉnh có được doanh thu cao để duy trì, phát triển; cũng như giúp HTX hoàn thành tốt vai trò “bà đỡ” của một đơn vị kinh tế tập thể.
CÁC DỊCH VỤ HỖ TRỢ NHAU
Toàn tỉnh có 60 HTX xếp loại khá, giỏi trong tổng số 195 HTX đang hoạt động. Nhìn vào thực tế hoạt động của các HTX khá giỏi đều thấy các HTX này luôn duy trì ổn định từ 5 đến 10 dịch vụ bao gồm cả dịch vụ hỗ trợ sản xuất (cày đất, tuốt lúa, vệ sinh môi trường, vật tư nông nghiệp…) và dịch vụ kinh doanh (tín dụng nội bộ, xăng dầu, xây dựng…). Theo lý giải của cán bộ quản lý các HTX này, việc duy trì cùng một lúc nhiều dịch vụ có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau về vốn, nhân công lao động, cán bộ quản lý, giúp giảm bớt chi phí đầu tư. Nhiều dịch vụ cũng sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của thành viên HTX và người dân địa phương; từ đó tạo uy tín, thu hút thêm nhiều người sử dụng dịch vụ của HTX để HTX có nguồn thu.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Hòa Trị 2 (Phú Hòa) cho biết: Các dịch vụ phục vụ sản xuất không tạo ra doanh thu cao mà chủ yếu “lấy thu bù chi” nhưng lại có thể “kéo” thành viên đến với HTX để HTX còn là một đơn vị kinh tế tập thể chứ không phải là doanh nghiệp. Vì vậy, các HTX không thể vì lợi nhuận mà bỏ các dịch vụ này. Tuy nhiên, nếu chỉ duy trì 1, 2 dịch vụ thì khi bị cầm vốn do thành viên HTX nợ đọng, HTX sẽ rơi vào hoạt động cầm chừng, chờ giải thể. Muốn phát triển được, HTX chỉ còn cách mở nhiều dịch vụ, để dịch vụ này hỗ trợ dịch vụ kia. Cụ thể, tại HTX Hòa Trị 2, hai dịch vụ là thủy nông nội đồng và vệ sinh môi trường khi chưa cùng tồn tại thì dịch vụ nào cũng báo lỗ cuối năm. Nhưng khi cùng hoạt động, cả 2 dịch vụ không những không lỗ mà còn có lãi. Bởi vì, hàng năm để làm tốt công tác thủy nông nội đồng, HTX phải thuê thêm lao động ngoài từ 10 đến 20 người, chỉ để vớt rác, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh mương, nên phát sinh thêm kinh phí từ 10 đến 15 triệu đồng. Còn khi có dịch vụ vệ sinh môi trường, để thu gom lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của 2.000 hộ dân, HTX phải thành lập tổ vệ sinh viên với 10 lao động thường xuyên có mức lương trung bình 1,8 triệu đồng/người/tháng. Để giảm bớt chi phí nhân công, những vệ sinh viên của HTX ngoài thu gom rác sinh hoạt sẽ kiêm luôn việc vớt rác trôi nổi trên các dòng kênh mương; nên hàng năm HTX tiết kiệm được số tiền từ 10 đến 15 triệu đồng.
CÙNG NHAU PHÁT TRIỂN
Thông thường các dịch vụ kinh doanh mang lại doanh thu cao nên “gánh” luôn trách nhiệm hỗ trợ về vốn, “nâng đỡ” các dịch vụ khác để duy trì hoạt động chung của HTX. Toàn tỉnh, ngoài 4 quỹ tín dụng nhân dân thì 60 HTX đang có hoạt động tín dụng nội bộ. Đây là dịch vụ mang lại doanh thu cao cho các HTX; đồng thời dịch vụ này còn là “cứu cánh” khi các HTX cần vốn đầu tư cho các dịch vụ khác hoặc thành viên HTX thiếu vốn phát triển kinh tế hộ, mà vay vốn ngân hàng gặp khó. Ông Lê Ngọc Cửu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ (NNKDDV) Hòa Phong ở huyện Tây Hòa cho biết: 10 dịch vụ kinh doanh của HTX đang mang lại lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm. Hiện tổng số tiền HTX cho thành viên vay để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ là 3,9 tỉ đồng và hàng năm lãi hơn 420 triệu đồng. Riêng đối với HTX, việc cân đối các hoạt động kinh doanh đều dựa trên nguồn vốn tín dụng. Cụ thể, vụ hè thu 2014 vừa bắt đầu, dựa trên nhu cầu của thành viên là giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, HTX nhập kho với số lượng lớn vật tư nông nghiệp và lúa giống. Nếu doanh thu hàng năm từ chính các dịch vụ này không đủ để quay vòng vốn hoặc nhu cầu từ thị trường “vượt trần”, HTX sẽ rút vốn từ nguồn vốn quỹ tín dụng để đầu tư, đáp ứng đủ nhu cầu của bà con trong cả vụ sản xuất.
Đối với kinh doanh xăng dầu, toàn tỉnh có 13 HTX kinh doanh dịch vụ này. Kinh doanh xăng dầu mang lại lợi nhuận trung bình từ 100 đến 300 triệu đồng/năm, chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu của HTX và chỉ đứng sau dịch vụ tín dụng nội bộ. Tại HTX NNKDDV Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa), bán lẻ xăng dầu cho doanh thu gần 28 tỉ đồng/năm, chiếm 80% tổng thu của HTX, cho lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Ông Lê Văn Bảo, Giám đốc HTX Hòa Mỹ Đông cho biết: HTX có 5 dịch vụ, trong đó có 2 dịch vụ tạo ra lợi nhuận. Nhờ có doanh thu từ kinh doanh xăng dầu nên HTX có vốn để chủ động kiên cố hóa kênh mương và nâng cấp các trạm bơm điện. Hàng năm, HTX phải chi từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng cho công tác này, trong khi kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thường chậm và không đủ chi trả; còn thủy lợi phí do xã viên đóng góp thì đến cuối vụ hoặc năm sau mới thanh toán. Nếu không lấy vốn từ kinh doanh xăng dầu để ứng trước thì HTX khó có thể duy trì và phát triển.
Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Đa dạng nhiều dịch vụ sẽ giúp các HTX đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của thành viên cũng như tạo ra doanh thu cho HTX, theo đúng tinh thần của Luật HTX 2012. Thời gian qua, trước những biến động của thị trường, các HTX vẫn kinh doanh có lãi, và làm tốt vai trò hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; chứng tỏ các HTX kiểu mới đủ khả năng cạnh tranh và đứng vững trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, số lượng các HTX có các dịch vụ kinh doanh cho lãi cao còn quá ít và vẫn chỉ tập trung ở các HTX đã có nền tảng. Để nhân rộng ngày càng nhiều các HTX khá, giỏi, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho giám đốc, phó giám đốc HTX; bổ sung kiến thức chuyên môn về kiểm toán, kế toán và hướng dẫn lập phương án kinh doanh cho cán bộ HTX.
MINH DUYÊN