Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2014 cho các ngành, địa phương để triển khai thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Một số công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh chậm triển khai khiến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp. Trong ảnh: Thi công Khu tái định cư Phú Lạc giai đoạn 2 (Đông Hòa) - Ảnh: L.HẢO
KHÔNG CÓ KHỐI LƯỢNG ĐỂ THANH TOÁN
Theo Kho bạc Nhà nước Phú Yên, kế hoạch vốn đầu tư phát triển tỉnh Phú Yên năm 2014 là 1.780,6 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 843 tỉ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 937,5 tỉ đồng. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, công trình. Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện, tỉ lệ giải ngân các nguồn vốn vẫn đạt thấp so với kế hoạch đềra. Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Phú Yên cho biết: Đến cuối tháng 3/2014, tổng các nguồn vốn đầu tư đã giải ngân trên địa bàn tỉnh đạt hơn 13,2% so với kế hoạch, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản do địa phương quản lý đạt 21,9%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 5,1%. Nguyên nhân là do một số dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; công tác tư vấn, khảo sát thiết kế kéo dài, năng lực của nhà thầu hạn chế… dẫn đến dự án chậm được triển khai hoặc triển khai cầm chừng nên không có khối lượng để thanh toán. Khi công trình được thực hiện, có phát sinh khối lượng thì một số chủ đầu tư, đơn vị thi công lại chậm lập hồ sơ thanh, quyết toán, thu hồi tạm ứng… cũng khiến tỉ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư đạt thấp.
Đến nay, nhiều dự án đầu tư đã được bố trí vốn ngay từ đầu năm nhưng chưa thể giải ngân. Điển hình như các dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng KCN An Phú kế hoạch vốn 17 tỉ đồng; hỗ trợ đầu tư y tế tỉnh, huyện 7 tỉ đồng; dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Phú Yên (CRSD) gần 7,6 tỉ đồng; tiểu dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Dân Phước (TX Sông Cầu) kế hoạch vốn 5,5 tỉ đồng; cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) 6,5 tỉ đồng… Nhiều dự án do bộ, ngành quản lý, tuy có kế hoạch vốn nhưng hết quý I cũng chưa đề nghị thanh toán. Cụ thể như dự án Đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu giảng đường, nhà hiệu bộ Trường đại học Xây dựng Miền Trung kế hoạch vốn 25 tỉ đồng; Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Phú Yên (JICA2) 5 tỉ đồng; Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên 20 tỉ đồng… Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Phú Yên đã phân bổ 56 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 cho 88 xã trên địa bàn tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; các huyện, thị xã, thành phố cũng đã triển khai thực hiện, nhất là bê tông hóa giao thông nông thôn, nhưng sau 3 tháng thi công, chưa có địa phương nào lập hồ sơ thanh, quyết toán để Kho bạc Nhà nước giải ngân vốn.
CÓ THỂ BỊ CẮT VỐN
Theo Kho bạc Nhà nước Phú Yên, các nguồn vốn đầu tư có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giải ngân vốn đầu tư chậm đồng nghĩa với việc nguồn tiền bị ứ đọng, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tiêu thụ hàng hóa… đồng thời gây thiệt hại cho các đơn vị thụ hưởng dự án. Việc giải ngân kéo dài sẽ làm tăng chi phí, giảm khả năng thanh toán và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là khi nhà thầu phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao để thực hiện công trình. Ông Nguyễn Việt Hà cho biết: “Phú Yên là một tỉnh còn nhiều khó khăn, phụ thuộc vào nguồn vốn Trung ương để đầu tư phát triển. Trong khi đó, một số nguồn như vốn hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ đều có thời hạn giải ngân, nếu hết thời gian quy định mà kế hoạch vốn giải ngân không hết thì Trung ương sẽ cắt vốn, lúc đó tỉnh không biết tìm nguồn từ đâu để bổ sung”.
Vừa qua, Kho bạc Nhà nước Phú Yên đã tổng hợp, báo cáo tình hình giải ngân các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn cho các cấp chính quyền; đồng thời nêu ra những vướng mắc để cấp trên kịp thời chỉ đạo giải quyết. Đơn vị cũng thường xuyên đẩy mạnh cải cách hành chính, chấp hành đúng quy trình giải ngân, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hoàn tất hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn theo đúng quy định. Về phần mình, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, khi có khối lượng hoàn thành thì khẩn trương lập hồ sơ thanh toán gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để giải ngân vốn và thu hồi các khoản tạm ứng nếu có, hạn chế tình trạng để dồn hồ sơ thanh toán đến cuối năm gây áp lực công việc và vốn thanh toán không cần thiết.
LÊ HẢO