Thời gian qua, phần lớn sản phẩm thủy sản do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất đều đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này chủ yếu tập trung vào xuất khẩu mà chưa quan tâm khai thác thị trường nội địa.
Khách tham quan một số sản phẩm thủy sản chế biến tại Hội chợ Thủy sản, Công nghiệp Thương mại khu vực miền Trung 2014 - Ảnh: N.XUÂN
SẢN PHẨM CHẤT LƯỢNG
Theo Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 12 đơn vị sản xuất, chế biến thủy hải sản các loại chủ yếu để xuất khẩu. Năm 2013, sản lượng thủy sản chế biến toàn tỉnh đạt 3.916 tấn. Riêng trong quý I/2014, các doanh nghiệp có đơn hàng đã được ký kết ngay từ đầu năm và đang tiếp tục xúc tiến mở rộng thị trường nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng gần 5% so với cùng kỳ.
Đánh giá về chất lượng của loại hàng này, ông Hoàng Trọng Trọng, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Để được xuất khẩu sang các nước, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến, chịu sự giám sát chặt chẽ của đối tác nước ngoài. Do đó, hầu hết các sản phẩm thủy hải sản tươi, khô… đều bảo đảm chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn cần thiết. Còn theo ông Nguyễn Hồng Lạc, nhân viên phụ trách kinh doanh của DNTN Trang Thủy (KCN An Phú), sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường các nước Hàn Quốc, Mỹ, Canada.
Trước khi xuất hàng, các sản phẩm đều được kiểm định kỹ lưỡng, nếu không đạt chất lượng thì sản phẩm không thể xuất kho.
Điển hình hơn là tại Hội chợ Thủy sản - Công nghiệp - Thương mại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ 2014 được tổ chức vừa qua, Phú Yên có nhiều đơn vị kinh doanh mặt hàng thủy hải sản tham gia như Công ty cổ phần Bá Hải, DNTN Thủy sản Đắc Lộc, DNTN Hồng Ngọc, DNTN Trang Thủy; các cơ sở sản xuất nước mắm, hải sản khô như Xuân Phú, Thanh Hảo (TX Sông Cầu)… Những sản phẩm phổ biến được các doanh nghiệp trưng bày là mực, sứa, tôm, ghẹ, cá ngừ đại dương, ghẹ, tôm, cá khô, hải sản tẩm, đông lạnh các loại… Tại đây, chất lượng, thương hiệu thủy sản Phú Yên được nhiều khách hàng ở những tỉnh bạn và nhiều chuyên gia đánh giá cao. Đại diện Công ty Seafares (Mỹ) tại Việt Nam, ông Thái Ngọc Hạnh cho biết: “Mỹ là thì trường tiêu thụ mạnh về thủy sản. Trước đây, công ty chúng tôi mua hàng của Indonesia, Thái Lan và một số nước khác trong khu vực châu Á. Từ năm 2013 đến nay, chúng tôi có mua hàng thủy sản của DNTN Hồng Ngọc (Phú Yên). Hiện người Mỹ rất chuộng hàng Việt Nam bởi họ cho rằng sản phẩm Việt Nam an toàn, bảo đảm chất lượng và tốt hơn các nước. Chỉ tính trong năm 2013, Công ty Seafares đã mua mặt hàng cá ngừ đại dương của DNTN Hồng Ngọc 33 container, tương đương với 660 tấn”. Còn ông Lương Minh Lân, nhân viên phụ trách thị trường của một công ty thủy sản ở tỉnh An Giang nói: “Chúng tôi đánh giá cao chất lượng sản phẩm thủy sản của Phú Yên. Qua các cuộc tiếp xúc với khách hàng trong nước và các đối tác nước ngoài thì phần lớn họ rất quan tâm đến mặt hàng này của Phú Yên. Chính vì thế, động lực để chúng tôi tham gia hội chợ là để học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp Phú Yên”.
Người tiêu dùng mua hải sản đông lạnh tại một cửa hàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: V.PHÊ
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
Điều đáng quan tâm là trong khi sản phẩm thủy sản sản xuất trong tỉnh được bán ra nước ngoài nhưng người tiêu dùng tại Phú Yên và các tỉnh trong nước không tiếp cận được. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mặt hàng này trong tỉnh chưa đầu tư được điểm bán hàng, hoặc có cũng chỉ với quy mô nhỏ, tượng trưng nên chưa thu hút được người mua. Mặt khác, doanh nghiệp cũng chưa chú trọng khai thác được thị trường tiêu thụ nội địa. Theo ông Hoàng Trọng Trọng, tỉnh đã có chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp xây dựng điểm trưng bày sản phẩm, nhưng không có kinh phí hỗ trợ. Sở Công thương cũng đã tạo điều kiện, khuyến khích để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước, mở cửa hàng trưng bày… nhưng các doanh nghiệp không mặn mà. Nguyên nhân do tài chính của doanh nghiệp còn khó khăn và mức tiêu thụ của người dân còn thấp.
Bà Trần Thị Hồng Ngọc, chủ DNTN Hồng Ngọc cho biết: Mới đây, doanh nghiệp cũng đã mở cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng trong tỉnh nhưng cũng chỉ bán tượng trưng, số lượng không nhiều do mức tiêu thụ của người dân còn nhỏ lẻ và doanh nghiệp cũng không có ý định mở rộng thêm, kể cả ở các tỉnh khác. Còn Công ty cổ phần Bá Hải, trước đây doanh nghiệp chỉ tập trung khai thác thị trường nước ngoài nên chưa phát triển thị trường trong nước trừ một lượng hàng nhỏ trưng bày tại phường Phú Lâm và siêu thị. Sắp tới, công ty sẽ hướng sản phẩm vào siêu thị nhiều hơn và hy vọng sẽ tiêu thụ tốt tại địa phương và các tỉnh bạn.
Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), so với các doanh nghiệp ở tỉnh khác như Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh… thì doanh nghiệp sản xuất thủy sản của Phú Yên vẫn còn thiếu tính cạnh tranh. Do đó, các doanh nghiệp Phú Yên cần tận dụng các lợi thế sản phẩm đặc trưng địa phương, tạo uy tín trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thị trường, xuất khẩu còn khó khăn thì các doanh nghiệp Phú Yên nên đầu tư khu trưng bày, xây dựng gian hàng giới thiệu, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng cả nước, phát triển thị trường nội địa
VÕ PHÊ