Với 2 hướng đi là tiêu thụ sản phẩm ra bên ngoài từ 30% đến 50% tổng sản phẩm và thành lập doanh nghiệp trực thuộc HTX để tự do kinh doanh đã khiến các HTX có hoạt động kinh doanh dịch vụ, nhất là bán lẻ xăng dầu gặp khó.
Cửa hàng xăng dầu của các HTX sẽ hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ thành viên HTX - Ảnh: M.DUYÊN
ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGUỒN THU CHÍNH
Theo Luật Hợp tác xã 2012 và Nghị định 139 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành luật, các HTX có hoạt động kinh doanh dịch vụ trước hết phải đáp ứng từ 50% đến 70% nhu cầu sử dụng của thành viên thì mới được tiêu thụ sản phẩm ra bên ngoài; còn muốn mở rộng hoạt động kinh doanh mà không bị hạn chế khả năng cung ứng thì phải thành lập doanh nghiệp trực thuộc HTX. Nhưng khi thành lập doanh nghiệp, các HTX cũng chỉ được sử dụng 30% vốn không chia (vốn góp thành viên) làm vốn điều lệ doanh nghiệp. Trong khi đó, để mở một điểm kinh doanh xăng dầu cần trên 3 tỉ đồng thì các HTX phải đầu tư ít nhất 1 tỉ đồng. Trên thực tế, từ trước tới nay, các HTX phải sử dụng nguồn vốn tự có (vốn tích lũy) để mở cửa hàng xăng dầu, còn nguồn vốn góp tại các HTX chỉ từ 100 đến 800 triệu đồng. Nếu chấp hành theo đúng tỉ lệ cung ứng trên thì phạm vi kinh doanh xăng dầu của các HTX hẹp (cấp thôn, xã), số lượng thành viên còn hạn chế nên quy mô dịch vụ bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Bên cạnh đó, dịch vụ này đang mang lại doanh thu chính, quyết định sự phát triển của các HTX trên địa bàn tỉnh.
Tổng doanh thu năm 2013 của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa) đạt hơn 32 tỉ đồng, cho lãi trước thuế hơn 735 triệu đồng. Trong đó, kinh doanh xăng dầu đạt doanh thu gần 28 tỉ đồng, cho lãi hơn 500 triệu đồng/năm. HTX Hòa Mỹ Đông hoạt động với 5 dịch vụ kinh doanh thì riêng kinh doanh xăng dầu chiếm hơn 87% tổng doanh thu. Còn HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam (Phú Hòa) có tổng doanh thu khoảng 30 tỉ đồng, thì dịch vụ kinh doanh xăng dầu đạt 17,4 tỉ đồng. HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) đạt doanh thu 25,1 tỉ đồng, riêng dịch vụ kinh doanh xăng dầu đạt 24,9 tỉ đồng…
Ông Lê Văn Bảo, Giám đốc HTX Hòa Mỹ Đông cho biết: Từ doanh thu của dịch vụ kinh doanh xăng dầu, hàng năm Hội đồng quản trị (HĐQT) HTX cân đối vốn, sử dụng phần vốn của dịch vụ này để đầu tư cho các dịch vụ truyền thống khác như vật tư nông nghiệp, tín dụng nội bộ, khai thác quản lý chợ và các dịch vụ công ích “lấy thu bù chi” như làm đất, tuốt lúa, thủy lợi nội đồng… Nhiều năm nay, nhờ có nguồn thu từ xăng dầu nên HTX mới có thể tự bỏ kinh phí để nâng cấp, tu sửa và xây mới kênh mương, đập… phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, năm 2013 HTX đầu tư 218 triệu đồng xây dựng 1 trạm bơm điện. Bước vào vụ đông xuân 2013-2014, HTX tiếp tục nạo vét 135km kênh mương và kiên cố hóa 8km mương… Mặc dù dịch vụ công ích này không mang lại lợi nhuận nhưng HTX vẫn coi đó là một trong những hoạt động chính trong kế hoạch hàng năm. HTX muốn hoàn thành trách nhiệm “bà đỡ” của một đơn vị kinh tế tập thể và rất cần mở rộng hoạt động kinh doanh nhằm tạo doanh thu thì mới có thể “bù” vào. Vì vậy, HTX không thể bỏ kinh doanh xăng dầu…
LOAY HOAY TÌM LỜI GIẢI
Mặc dù Luật HTX 2012 có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, nhưng đến nay hầu hết HTX có hoạt động dịch vụ kinh doanh xăng dầu vẫn trong tình trạng chưa biết chuyển đổi theo hướng nào. Theo ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX Hòa Quang Nam, từ năm 1996, thực hiện xóa bỏ bao cấp cho đến nay, HTX thu hút được 4.700 xã viên góp vốn với 180.000 đồng/suất. Nhờ vậy, HTX có vốn điều lệ hơn 1,3 tỉ đồng. Cửa hàng xăng dầu của HTX ra đời từ nguồn vốn tích lũy, với kinh phí đầu tư ban đầu hơn 1 tỉ đồng. Nếu thành lập doanh nghiệp, HTX chỉ được sử dụng khoảng hơn 300 triệu đồng đầu tư vào cây xăng thì sẽ không đáp ứng được khả năng tiêu thụ xăng dầu hàng năm của HTX (trung bình mỗi năm HTX Hòa Quang Nam bán ra 800.000 lít xăng, dầu các loại). HĐQT HTX đang xem xét đến nhiều phương án, trong đó trước mắt thu hút thêm xã viên để tăng tỉ lệ cung ứng sản phẩm và tăng nguồn vốn góp. Khi đủ điều kiện về vốn cũng như tạo được sự phát triển đồng đều giữa các dịch vụ thì mới thành lập doanh nghiệp trực thuộc. Hơn nữa, HTX cũng đang chờ hướng dẫn cụ thể từ phía Liên minh HTX tỉnh.
Còn ông Huỳnh Minh Lý, Giám đốc HTX phường Phú Lâm cho biết: Tính từ năm 1979 đến nay, tổng vốn góp của xã viên HTX, quy ra tiền hơn 723 triệu đồng. Vì ở thời điểm mới thành lập, xã viên góp vốn ngoài tiền mặt còn có cả ngày công lao động. Theo đó, hiện thành viên được chia lãi cổ tức 128 đồng với 1.000 đồng vốn góp. Nếu quyết định thành lập doanh nghiệp trực thuộc HTX, HĐQT HTX nghĩ tới phương án tăng nguồn vốn góp bằng cách tăng mức đóng định suất trên mỗi thành viên. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của thành viên. Còn thu hút thêm thành viên để tăng tỉ lệ cung ứng đối với các HTX nằm trên địa bàn thành phố như HTX phường Phú Lâm thì rất khó…
Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Luân, với nguồn doanh thu mà dịch vụ kinh doanh xăng dầu mang lại thì việc tìm ra hướng đi đúng để duy trì và phát triển dịch vụ này là trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh và HĐQT các HTX. Qua khảo sát thực tế, các HTX trên địa bàn tỉnh có hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa đủ điều kiện về vốn để thành lập doanh nghiệp trực thuộc. Phương án đáp ứng đúng tỉ lệ cung ứng là hướng đi hiệu quả cho cả HTX và thành viên HTX. Đối với HTX, để không bị giảm doanh thu thì nên chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút thêm thành viên sử dụng dịch vụ. Liên minh HTX tỉnh cũng sẽ thực hiện sát nhập các HTX yếu kém vào các HTX hoạt động hiệu quả để mở rộng phạm vi hoạt động cho các HTX.
MINH DUYÊN