Thứ Ba, 26/11/2024 02:24 SA
Ưu tiên vốn vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh
Thứ Sáu, 24/01/2014 08:39 SA

Năm qua, mặc dù ngành Ngân hàng Phú Yên đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác quản lý tiền tệ, tín dụng, hoạt động đúng định hướng nhưng các chỉ tiêu cơ bản về huy động, cho vay vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết:

go140124.jpg
Năm 2014, các tổ chức tín dụng ở Phú Yên sẽ tập trung vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu - Ảnh: L.HẢO

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hạn chế trần lãi suất tiền gửi, đồng thời yêu cầu các ngân hàng tất toán, dừng huy động chứng chỉ tiền gửi bằng vàng. Vì vậy, đến cuối năm, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương chỉ đạt 8.786 tỉ đồng, tăng 15,7% so với năm 2012. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh ở mức 11.156 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, chưa đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, nếu không tính dư nợ của Ngân hàng Phát triển chi nhánh Phú Yên thì tổng dư nợ đạt 9.727 tỉ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ.

* Dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh chỉ mới tăng đột biến vào thời điểm cuối năm. Nguyên nhân là do đâu, thưa ông?

- Trong những tháng đầu năm 2013, sức hấp thụ vốn của thị trường còn yếu; các doanh nghiệp khó khăn không đủ điều kiện vay, các đơn vị hoạt động ổn định lại chưa có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh khiến việc tăng trưởng tín dụng ở Phú Yên gặp nhiều khó khăn. Thời gian này, dư nợ thường xuyên ở mức âm, nếu tăng thì không đáng kể. Đến hết tháng 10, tổng dư nợ toàn địa bàn mới chỉ tăng khoảng 1%; thế nhưng, đến cuối năm, con số này đã tăng lên gần 6%.

Nguyên nhân là do thời điểm cuối năm, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần vốn để trữ hàng, sản xuất hàng phục vụ Tết Nguyên đán nên thị trường “hút” vốn, nhu cầu vay tăng mạnh. Thêm vào đó, giữa tháng 10/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn 7558/NHNN-TD về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với tổ chức tín dụng và khách hàng liên quan đến điều kiện, thủ tục tín dụng. Cơ chế “mở” này đã tích cực hỗ trợ ngân hàng trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng, giúp nhiều khách hàng đang vướng nợ xấu được vay vốn sản xuất, kinh doanh.

* Việc xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm qua. Kết quả ra sao, thưa ông?

- Năm qua, nợ xấu toàn địa bàn chỉ còn 198 tỉ đồng, chiếm 1,77% tổng dư nợ, giảm 61% so với năm 2012. Có được kết quả này là nhờ các tổ chức tín dụng ở Phú Yên đã tích cực thu hồi, xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp. Trong đó, các tổ chức tín dụng dùng nguồn dự phòng để xử lý 24 tỉ đồng, xuất ngoại bảng 189 tỉ đồng. Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại đã bán 225 tỉ đồng nợ xấu cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), giúp giảm đến một nửa số nợ xấu trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc nợ xấu ở Phú Yên giảm mạnh là cơ hội giúp ngân hàng đẩy vốn ra thị trường. Điều quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng tín dụng, không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo thu hồi được nợ.

* Thông tư 02/NHNN-TT ngày 1/6/2014 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng sẽ được áp dụng. Đây có phải là một “gánh nặng”?

- Đến cuối năm 2013, các ngân hàng thương mại ở Phú Yên đã cơ cấu lại nợ cho 2.750 khách hàng với tổng nợ gốc 658 tỉ đồng và nợ lãi 47 tỉ đồng. Như vậy, số nợ được cơ cấu chiếm gần 6% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh. Khi Thông tư 02 được áp dụng, số nợ này sẽ là một thách thức lớn đối với các ngân hàng thương mại. Vì vậy, từ nay đến trước tháng 6/2014, các ngân hàng cần xem xét cụ thể khả năng trả nợ của từng doanh nghiệp. Nếu đơn vị vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, có phương án hoạt động khả thi thì tiếp tục cơ cấu; còn lại nên xử lý theo luật. Ngoài nỗ lực của chính doanh nghiệp, ngân hàng cũng cần đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh…; đồng thời sẵn sàng cung ứng vốn cho những khách hàng đáp ứng đủ điều kiện tín dụng, có nhu cầu vay.

* Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Phú Yên tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

- Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên phấn đấu huy động vốn tăng 18%, dư nợ cho vay tăng từ 12 đến 14%, nợ xấu dưới 3%. Để làm được điều này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn sẽ tập trung vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Ngành Ngân hàng Phú Yên cũng triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, hạn chế gia tăng nợ xấu; đồng thời phối hợp với các bên liên quan để đánh giá, phân loại khó khăn trong sản xuất, kinh doanh để có biện pháp tháo gỡ phù hợp…

* Cảm ơn ông!

LÊ HẢO - MINH DUYÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek