Chủ Nhật, 06/10/2024 13:27 CH
Đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số:
Giúp người dân ổn định cuộc sống
Thứ Bảy, 04/01/2014 08:00 SA

Phú Yên có 3 huyện miền núi và 9 xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng, với 31 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là Ê Đê, Chăm H’roi và Ba Na. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước ổn định và có bước phát triển.

 

EBa140104.jpg

Khu tái định cư xã Ea Bar (Sông Hinh) đã đầu tư hệ thống điện, nước - Ảnh: N.CHUNG

BỐ TRÍ CHỖ Ở CHO HƠN 450 HỘ

 

Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư triển khai tại khu vực miền núi trong tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu từ bỏ thói quen sống du canh, du cư có nơi ở ổn định, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần xóa đói giảm nghèo. Chính sách này còn góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương miền núi.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2011 đến 2013, tỉnh đã triển khai xây dựng 9 khu tái định cư, giúp ổn định chỗ ở cho hơn 450 hộ dân, trong đó có 6 khu tái định cư tập trung và 3 khu tái định cư xen ghép với số vốn đầu tư hơn 25,5 tỉ đồng. Anh Kpá Y Trung ở khu tái định cư xã Ea Bar (Sông Hinh), cho biết: “Trước đây gia đình tôi ở buôn Quen, xã Ea Bar, do không có đất ở nên vợ chồng tôi sống với cha mẹ. Từ khi đến khu tái định cư này, gia đình tôi được cấp đất ở rộng rãi, trường học gần nhà, điện, nước cũng được sử dụng đầy đủ. Bà con chúng tôi ở đây rất mong Nhà nước tiếp tục đầu tư, quy hoạch khu sản xuất lúa nước để canh tác và chủ động nguồn lương thực”. Ông Ksor Y Trinh, Phó chủ tịch UBND xã Ea Bar cho biết, khu tái định tư xã Ea Bar bố trí chỗ ở cho khoảng 150 hộ dân thuộc diện di dời từ các buôn Thứ, Quen, Trinh. Đến nay đã có 90% số hộ thuộc diện di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, để bà con ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, huyện và tỉnh cần quan tâm đầu tư đồng bộ các hạng mục còn lại trong khu tái định cư này; đồng thời có chính sách quy hoạch, đầu tư khu sản xuất lúa nước cho bà con.

 

Trong năm 2013, đa số các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư phần cơ bản, nhiều hạng mục đang tiếp tục đầu tư nhằm giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại các khu tái định cư ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp. Tại huyện Sơn Hòa, dự án định canh định cư tập trung xã Krông Pa đã được san ủi đồng ruộng, xây dựng hệ thống kênh mương và trạm bơm Buôn Lé với tổng kinh phí gần 1,3 tỉ đồng. Dự án định canh định cư tập trung xã Phước Tân được đầu tư nâng cấp kênh mương Gia Trụ với kinh phí hơn 260 triệu đồng.

 

Còn tại huyện Đồng Xuân, dự án định canh định cư tập trung xã Xuân Quang 1 đã hoàn thành 3 phòng học bậc tiểu học với kinh phí hơn 210 triệu đồng, xây dựng đường bê tông nội vùng dài hơn 1.180m với kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng. Đối với dự án định canh định cư tập trung xã Xuân Lãnh, 2 giếng nước, 3 phòng học mẫu giáo được xây dựng, hoàn thành khoảng 630m đường giao thông bê tông nội vùng với kinh phí hơn 2 tỉ đồng…”.

 

CẦN ĐẦU TƯ HƠN NỮA

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, các dự án định canh, định cư tập trung được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng với cơ sở hạ tầng thiết yếu đồng bộ. Đối với điểm định canh, định cư xen ghép, Nhà nước hỗ trợ cho xã với mức 20 triệu đồng/hộ để sử dụng vào việc bồi thường đất ở, đất sản xuất cho hộ dân sở tại bị thu hồi và giao cho hộ định canh, định cư theo chế độ đã quy định, phần còn lại sử dụng để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã. Hỗ trợ trực tiếp hộ du canh, du cư thực hiện định canh, định cư gồm giao đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ bình quân 15 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất, mua lương thực trong 6 tháng tính từ khi đến điểm định canh, định cư mới. Đối với hộ định canh, định cư xen ghép được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ để tạo nền nhà, hỗ trợ di chuyển nhà ở từ nơi ở cũ đến nơi định canh, định cư. Các hộ du canh, du cư sau khi định canh, định cư được hưởng các chính sách hiện hành khác như người dân tại chỗ và được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống…

 

Ông La Văn Tỷ, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Ban Dân tộc tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ nâng mức hỗ trợ trực tiếp hộ du canh, du cư thực hiện định canh, định cư bình quân từ 15 triệu đồng lên 30 triệu đồng/hộ. Xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ cho các hộ cận nghèo trong vùng đặc biệt khó khăn và cấp bảo hiểm y tế cho 100% người dân tộc thiểu số sinh sống ở các địa bàn miền núi. Có chính sách miễn, giảm học phí và chính sách cử tuyển con em đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học các bậc cao đẳng, đại học không phân biệt địa bàn cư trú nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

 

NGỌC CHUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek