Tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản mới dễ nuôi, năng suất cao, giá cả có tính cạnh tranh cao, nhưng cũng dễ mắc hội chứng taura gây nên dịch bệnh lớn, lây nhiễm sang các đối tượng khác. Tại hội thảo về mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng do Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản (KTTS) tổ chức, các nhà quản lý, khoa học và ngư dân sôi nổi thảo luận về việc làm thế nào để quy hoạch, quản lý và phát triển nghề nuôi tôm thẻ ổn định ở Phú Yên.
* Đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: “NGÀNH THỦY SẢN CẦN RÀ SOÁT QUY HOẠCH, ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÁC MÔ HÌNH NUÔI TÔM THẺ ĐỂ NHÂN RỘNG”
Lâu nay chúng ta chưa đầu tư đến nơi đến chốn về quy hoạch, quy trình nuôi, phòng bệnh… Người dân chạy theo lợi nhuận trong nuôi tôm dẫn đến những thiệt hại đáng kể. Bây giờ có nên chuyển đổi, nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng không? Qua báo cáo về mô hình điểm nuôi tôm thẻ, tôi thấy bước đầu có khả quan, tuy nhiên nếu chỉ làm mô hình mà chưa có cơ sở khoa học đánh giá về khả năng giống, môi trường thích nghi, mức độ thành công một cách chính xác thì liệu khi nhân rộng có lặp lại tình trạng như nuôi tôm sú hay không? Nếu chưa đầu tư về quy hoạch, hạ tầng, phòng bệnh… cụ thể, thì khó có thể lường trước mức độ thiệt hại khi nuôi tôm thẻ đại trà.
Ngành thủy sản cần rà soát lại quy hoạch các vùng nuôi, xem quy hoạch có hợp lý không, đánh giá lại vùng nuôi thủy sản Bàn Thạch, đồng thời xây dựng quy trình nuôi khảo nghiệm, lựa chọn vùng nuôi, đánh giá khả năng sản xuất giống, kiểm dịch, thị trường tiêu thụ… Tôi đề nghị Hội đồng khoa học ngành thủy sản cần tiếp tục tổng kết các mô hình nuôi trồng với đầy đủ các luận cứ khoa học, rút ra bài học kinh nghiệm để sớm báo cáo cho UBND tỉnh xem xét và có chính sách đầu tư đồng bộ đối tượng nuôi, nhất là tôm thẻ; đồng thời giải quyết đồng bộ các khâu tồn tại để phát triển nuôi trồng bền vững.
* Tiến sĩ Trần Thị Việt Ngân, Giám đốc Trung tâm Giống và KTTS: “PHÁT ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI NUÔI TÔM THẺ, NHƯNG PHẢI QUẢN LÝ ĐƯỢC ĐỒNG TÔM, NGUỒN GIỐNG, NGĂN CHẶN HỘI CHỨNG TAURA BÙNG PHÁT”
Theo tôi, muốn cứu các cánh đồng tôm sú thì ngay từ bây giờ phải ngưng nuôi tôm sú hoàn toàn, chuyển một số vùng sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong thời gian qua, Trung tâm Giống đã vận động một số hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng, đặc biệt triển khai 13 mô hình nuôi tôm thẻ ở các xã An Hiệp, An Hoà, An Ninh Tây (huyện Tuy An) với tổng diện tích 7,5 ha, từ đó sẽ rút ra kinh nghiệm và nhân rộng một cách có quy mô chắc chắn, hiệu quả. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều hộ nuôi tự phát nuôi tôm thẻ không tuân thủ kỹ thuật, kiểm dịch giống, chọn thức ăn không chất lượng… Tôi nghĩ, để phát động nuôi tôm thẻ chân trắng, ngay từ bây giờ ngành thủy sản cần quy hoạch lại các vùng nuôi, xử lý môi trường. Nơi nào có điều kiện thì xây dựng hệ thống thủy lợi, bể chứa xử lý nước sạch… Chúng ta phải có trách nhiệm trong quản lý nuôi tôm thẻ chứ không thả lỏng cho dân nuôi ồ ạt không tuân thủ quy chế vùng nuôi, không theo mùa vụ giống như nuôi tôm sú lâu nay. Để nuôi tôm thẻ hiệu quả, yếu tố đầu tiên là nguồn giống phải tốt. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) phải đủ mạnh để ngăn chặn nguồn giống du nhập kém chất lượng, đặc biệt là giống tôm thẻ của Trung Quốc; kiểm dịch nhằm khống chế hội chứng bệnh taura bùng phát trên tôm thẻ.
* Ông Nguyễn Cúc, Chủ tịch Hội Nghề cá Phú Yên: “SẢN XUẤT GIỐNG CHẤT LƯỢNG VÀ VẬN ĐỘNG BÀ CON NUÔI TÔM THẺ TẬP TRUNG”
Dịch bệnh tôm sú bùng phát trong 4 năm liền, gây thiệt hại nặng cho người nuôi ở Phú Yên. Do vậy, việc chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng là phù hợp. Tuy nhiên, cũng giống như nghề nuôi tôm sú trước đây, nuôi tôm thẻ đang phát triển tự phát, theo kiểu “da beo” nằm rải rác xen lẫn trong các đồng tôm sú ở Đông Hòa, Sông Cầu, Tuy An. Nhiều người dân nhập giống kém chất lượng, chưa được kiểm dịch từ các nơi khác như Ninh Hòa, Bạc Liêu… để thả nuôi. Các hộ nuôi tôm thẻ trên cát ở Hòa Hiệp Bắc đều không có bể xử lý nên nước thải xả ra mương chảy ra biển gây ô nhiễm môi trường, và có nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các vùng nuôi thủy sản khác. Thực tế nhiều hộ mới nuôi tôm thẻ cũng bị dịch bệnh lỗ vốn. Để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững khi đưa các đối tượng mới có triển vọng vào nuôi, ngành thủy sản quản lý, không cho phép các cơ sở sản xuất giống tôm chân trắng tại các trại giống tôm sú; quy hoạch vùng nuôi, chỉ cho phép nuôi tôm chân trắng tại các khu vực ao, đầm có sự tách biệt nhằm đảm bảo không gây lây lan dịch bệnh cho các đối tượng nuôi khác.
* Ông Biện Ngọc Phú – chủ hồ nuôi tôm ở xã An Ninh Tây (huyện Tuy An): “CẦN CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT VÀ CUNG ỨNG GIỐNG TÔM THẺ CHẤT LƯỢNG CHO DÂN”
Trước đây tôm sú thường xuyên bị dịch bệnh gây thiệt hại nặng. Nhờ Trung tâm Giống và KTTS chuyển giao kỹ thuật, tôi đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đầu tiên năm 2004 đạt lãi cao. Tôi tiếp tục thả nuôi vụ 2 với 30 vạn con (diện tích 4000m2 ). Sau 2,5 tháng tôm phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, thu hoạch lãi được 20 triệu đồng. So với nuôi tôm sú trên cùng diện tích, tôi nhận thấy tôm thẻ chân trắng nuôi ở mật độ dày vẫn phát triển nhanh hơn, chưa xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải tiếp tục theo dõi khả năng thích nghi môi trường của tôm thẻ để xác định mùa vụ và áp dụng quy trình nuôi tập trung, khép kín có hiệu quả. Hiện nay, đa số hộ nuôi chưa nắm vững kỹ thuật, chưa được tham quan, học tập mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hiện đại. Ngành thủy sản cần sớm quy hoạch, quản lý vùng nuôi, chuyển giao kỹ thuật và kiểm tra chất lượng giống để cung ứng cho người nuôi.
Ông Trần Tony Phúc Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Con giống tôm thẻ chất lượng được thả nuôi theo mô hình tuần hoàn kín, các thông số của quá trình nuôi được quản lý chặt chẽ, sẽ ngăn chặn được dịch bệnh phát sinh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty đang sản xuất tôm giống post thẻ chân trắng được chọn lọc từ nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh có nguồn gốc từ Hawaii và thực hiện đúng quy định về sản xuất giống của Bộ Thủy sản. Tôi nghĩ để phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững ở Phú Yên, trước tiên phải đảm bảo nguồn giống sạch bệnh đủ cung ứng cho dân.
NGUYÊN LƯU ghi