Thứ Sáu, 04/10/2024 16:29 CH
Nâng cao trình độ người lao động ngành du lịch:
Yêu cầu cấp thiết
Chủ Nhật, 03/11/2013 08:15 SA

Nguồn nhân lực ngành du lịch hiện vừa thiếu, vừa yếu. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành này, nhiều người cho rằng cần một quá trình và sự đầu tư đúng mức; trong đó, cần ưu tiên đào tạo nhân viên tại các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

 

Huong-dan-vien-du-lich-1311.jpg

Hướng dẫn viên du lịch Khu du lịch sinh thái Sao Việt giới thiệu những thắng cảnh ở Phú Yên cho du khách người Nhật - Ảnh: M.NGUYỆT

THIẾU CHUYÊN NGHIỆP VÀ KỸ NĂNG

 

Thực tế cho thấy, chất lượng lao động trong ngành du lịch ở Phú Yên còn thấp, số lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học còn quá ít, nên công tác tổ chức quản lý và điều hành các hoạt động du lịch còn hạn chế. Lao động trong các doanh nghiệp du lịch chỉ có khoảng 10% đã qua đào tạo nghiệp vụ, số còn lại là lao động phổ thông.

 

Điều này sẽ không khó nhận thấy nếu bạn trong vai một du khách đến các điểm du lịch để tiếp xúc và sử dụng các dịch vụ. Lễ tân khách sạn thì thiếu duyên dáng, thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, hạn chế kiến thức cơ bản về văn hóa, du lịch cũng như thực tế địa phương. Đó là chưa kể trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) là một thử thách lớn đối với họ mỗi khi phải giao tiếp với khách quốc tế.

 

Tượng tự, nhân viên phục vụ nhà hàng cũng thiếu chuyên nghiệp. Một chủ nhà hàng ở Tuy Hòa thừa nhận, nhân viên ở đây chủ yếu là sinh viên đi làm thêm, lao động thời vụ chưa qua đào tạo nghiệp vụ du lịch thì làm sao có thể phục vụ tốt được (!?).

 

Một đối tượng lao động trực tiếp khác, có thể xem là bộ mặt của ngành du lịch đó là các hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Hầu hết các nhân viên này (của doanh nghiệp tư nhân lẫn khối nhà nước) đều được đào tạo đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, với công việc khá đặc thù này, không phải chỉ đào tạo đại học là có thể đảm nhiệm tròn vai trò của một hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên, mà nó đòi hỏi nhiều kỹ năng, kiến thức và cả vốn sống thực tế nữa. Đây dường như là yêu cầu quá cao đối với lực lượng lao động này trong thời điểm hiện nay đối với du lịch Phú Yên.

 

CHÚ TRỌNG BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ

 

Tại một cuộc hội thảo phát triển du lịch khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu (Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT-DL) nhận định, lực lượng lao động ngành du lịch (gián tiếp và trực tiếp) hầu như chưa được đào tạo một cách bài bản, mà phần lớn là lao động phổ thông. Vì vậy các địa phương cần ưu tiên đào tạo kiến thức du lịch, văn hóa cho người lao động làm công tác này tại các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên lễ tân, phục vụ bàn, bar, đầu bếp, hướng dẫn viên du lịch và thuyết minh viên. Bên cạnh công tác bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn hay đào tạo theo dạng truyền nghề, ngành du lịch các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ cần phải xây dựng kế hoạch hành động chung về đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Đây được xem là một trong những điểm mấu chốt để các tỉnh có thể làm tốt việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch nhanh, bền vững.

 

Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên cho biết, việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được ngành xác định là một trong những mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.

 

Từ trước Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ 2011 do Phú Yên đăng cai tổ chức, từ nguồn vốn ngân sách, Sở VH-TT-DL Phú Yên đã liên kết với một số cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch ngắn hạn cho người lao động làm việc trong lĩnh vực này; đồng thời tham mưu UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, định hướng các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh mở đào tạo về nghiệp vụ du lịch. Riêng năm 2013, Sở VH-TT-DL đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cho hơn 150 học viên gồm: bồi dưỡng nghiệp vụ lễ tân khách sạn, thuyết minh viên du lịch, tập huấn bảo vệ môi trường du lịch tại các khu di tích thắng cảnh. Theo kế hoạch đến cuối năm 2013, Sở VH-TT-DL Phú Yên tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ buồng, lễ tân khách sạn, nghiệp vụ bàn cho khoảng 100 học viên của các đơn vị kinh doanh du lịch.

 

Bên cạnh sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được các doanh nghiệp du lịch quan tâm. Nhiều doanh nghiệp chủ động mời giảng viên các trường đại học, cao đẳng du lịch về bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên của mình và thường xuyên tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ nội bộ để khuyến khích lao động nâng cao tay nghề. Bà Trần Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sao Việt, cho biết: “Hàng năm, công ty đều tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức các cuộc thi liên quan đến du lịch với sự tham gia tích cực của nhân viên trong công ty, đồng thời công ty cũng tích cực tham gia các cuộc thi về nghiệp vụ du lịch, như: hội thi ẩm thực, lễ tân khách sạn do Sở VH-TT-DL tổ chức, qua đó giúp nhân viên nâng cao tay nghề”.

 

Đến tháng 10/2013, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch trong tỉnh khoảng 3.310 người; trong đó trình độ trên đại học chiếm 0,32%, đại học, cao đẳng chiếm 9,45%, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 16,98%, sơ cấp chiếm 25,94%, số lao động được đào tạo tại chỗ và học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn chiếm 47,31%.

 

Dự báo đến năm 2015, Phú Yên cần đến trên 8.000 lao động, trong đó 3.000 lao động trực tiếp và 5.000 lao động gián tiếp.

 

(Nguồn Sở VH-TT-DL)

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek