Huyện Tuy An đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để đưa vào khai thác Khu trưng bày sản phẩm làng nghề nước mắm xã An Chấn. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai tại Phú Yên nên việc áp dụng mức phí thuê mặt bằng cần được tính toán hợp lý.
Khu trưng bày sản phẩm làng nghề nước mắm xã An Chấn nằm cạnh quốc lộ 1, thuận tiện cho việc kinh doanh - Ảnh: V.AN
Khu trưng bày sản phẩm làng nghề nước mắm xã An Chấn được triển khai xây dựng tại thôn Phú Thạnh, cạnh quốc lộ 1 với kinh phí đầu tư hơn 7 tỉ đồng. Công trình khang trang, mặt bằng rộng rãi, thuận tiện cho việc kinh doanh; bên trong có 8 khu vực trưng bày với diện tích mỗi khu rộng 50m2. Sau khi công trình hoàn thành, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tuy An cùng UBND xã An Chấn đã phối hợp kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân không chỉ của làng nghề nước mắm tại An Chấn mà cả những làng nghề, cơ sở sản xuất khác như chiếu cói Phú Tân (xã An Cư), bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ)… tham gia. Ngoài ra, các hộ kinh doanh ăn uống, giải khát cũng được thuê mặt bằng tại đây.
Ông Hoàng Ngọc Mùi, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tuy An cho biết: Khu trưng bày sản phẩm làng nghề nước mắm xã An Chấn là mô hình đầu tiên được triển khai ở Phú Yên nên tỉnh chưa có quy định mức thu các khoản phí. Ban đầu, UBND huyện đề nghị tỉnh cho phép thu phí như chợ loại 3 với mức 10.000 đồng/m2/tháng (gồm phí đầu tư xây dựng 5.000 đồng và phí quản lý 5.000 đồng). Tuy nhiên, Sở Tài chính không đồng ý với đề xuất của huyện vì Khu trưng bày sản phẩm làng nghề nước mắm xã An Chấn không phải là chợ. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo huyện lập phương án khai thác Khu trưng bày sản phẩm làng nghề này để các cơ quan chức năng phê duyệt. Hiện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tuy An đã có phương án; theo đó, mức phí thuê mặt bằng dự kiến 6.000 đồng/m2/tháng đối với các diện tích phục vụ trưng bày sản phẩm và 4.200 đồng/m2/tháng đối với khu vực kinh doanh ăn uống, giải khát. Các tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng tại đây sẽ được ký hợp đồng trong 5 năm; trong 3 tháng đầu được miễn phí. Riêng cơ sở vật chất phục vụ việc trưng bày, kinh doanh, người thuê phải tự bỏ tiền ra làm theo thiết kế mẫu. Nếu phương án khai thác Khu trưng bày sản phẩm làng nghề này được cơ quan chức năng thông qua thì khu này có thể đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán năm nay.
Ông Mùi cho biết thêm, đến thời điểm này, 3 cơ sở sản xuất cá cơm xuất khẩu, nước mắm và kinh doanh ăn uống, giải khát đã đăng ký hoạt động tại Khu trưng bày sản phẩm làng nghề nước mắm xã An Chấn. Quan điểm của huyện là ưu tiên cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương; nếu còn chỗ trống thì tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân ngoài huyện tham gia.
Theo ông Trần Văn Thành, chủ một cơ sở sản xuất cá cơm xuất khẩu ở xã An Chấn, hiện nay kinh doanh gặp nhiều khó khăn, một số đơn vị rất muốn thuê mặt bằng tại khu trưng bày để quảng bá sản phẩm nhưng còn ngại phí cao, tốn kém thêm chi phí đầu vào sản phẩm. Còn ông Ngô Hồng Sơn, chủ một cơ sở sản xuất nước mắm ở xã An Chấn thì cho biết: Vị trí trưng bày sản phẩm cạnh quốc lộ 1 rất thuận tiện nhưng cần có chính sách ưu đãi về giá thuê mặt bằng trong thời gian đầu. Có như vậy, các cơ sở sản xuất những mặt hàng truyền thống trên địa bàn huyện mới mạnh dạn tham gia.
THANH HOÀI