Chủ Nhật, 06/10/2024 11:29 SA
Đường rớt giá, doanh nghiệp sản xuất lao đao
Thứ Hai, 07/10/2013 14:00 CH

Hiện giá đường giảm mạnh, lượng đường nhập khẩu liên tục tăng… khiến các doanh nghiệp ngành mía đường phải đối mặt với những khó khăn nhưng chưa có cách giải quyết.

 

duong131007.jpg

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa - Ảnh: K.ANH

GIÁ ĐƯỜNG GIẢM

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệu, tiểu thương chợ Tuy Hòa cho biết: Gần 2 tháng nay, giá đường giảm nhiều so với đầu năm. Hiện giá đường bán sỉ là 15.000 đồng/kg (loại thường), còn đường tinh luyện RE, RS là 17.000 đồng/kg; giá bán lẻ cũng chênh lệch từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg, tức từ 15.500 đồng đến 18.000 đồng/kg… Còn theo chị Nguyễn Thanh Thu, chủ một cửa hàng tạp hóa ở phường 2, ngoài loại được đóng bao sẵn, cửa hàng còn bán loại đường không có nhãn hiệu, được đựng trong bao giấy khoảng 10 đến 20kg, do các công ty ở miền Nam cung cấp, giá chỉ 13.000 đồng đến 14.000 đồng/kg.

 

Giải thích nguyên nhân đường rớt giá, ông R.Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết: Một phần là giá đường trên thế giới giảm, nhưng chủ yếu do đường sản xuất trong nước vượt cao so với nhu cầu của người dân. Ngoài ra, trong nước hiện có quá nhiều đường nhập lậu từ Thái Lan giá rẻ nhưng không được kiểm soát. Tình trạng gian lận thương mại bằng hình thức tạm nhập tái xuất đường không được hậu kiểm chặt nên lượng đường này không xuất đi mà tiêu thụ nội địa làm cho việc dư đường tăng lên. Thêm vào đó, việc Bộ Công thương cấp quota nhập khẩu đường với số lượng 72.500 tấn cho các doanh nghiệp (trong đó có 20.000 tấn đường thô cấp cho Nhà máy đường Biên Hòa) đã đẩy việc thừa đường càng tăng cao.

 

Nhiều doanh nghiệp sản xuất đường đã phải bán với mức giá thấp, chịu lỗ để giải quyết lượng hàng tồn kho; trong khi đó, một số công ty dù áp dụng giá bán thấp nhưng vẫn không cải thiện sức mua và lượng hàng tồn vẫn ở mức cao. Ông Nguyễn Xuân Tiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết: “Tuy chúng tôi đã bán hết số đường đã sản xuất nhưng hầu như không có lợi nhuận. Giá mía mua vào đầu niên vụ 2012-2013 của công ty là 900.000 đồng/tấn. Vào cuối vụ, tuy chữ đường, chất lượng mía giảm nhưng vì phải bao tiêu, bù lỗ cho người dân nên công ty phải mua với giá 930.000 đồng/tấn (mua xô tại ruộng). Với giá đường bán ra là 14.000 đồng/kg (đã tính cả 700 đồng tiền thuế), cộng với chi phí các loại từ đầu vụ đến nay thì chúng tôi không có lãi”.

 

Ông R.Subbaiah còn cho biết: Giá đường trên thị trường đã giảm sâu nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Công ty đang bán dưới giá thành sản xuất, giá bán đã thấp hơn 15% so với giá đường đầu vụ, nhưng tình hình tiêu thụ cũng rất chậm. Niên vụ vừa qua, doanh nghiệp sản xuất hơn 88.000 tấn đường. Đến nay, lượng đường tồn kho của KCP tăng cao so với cùng kỳ của niên vụ trước với mức kỷ lục 38.000 tấn. Đây là một con số tồn kho kỷ lục của KCP trong 13 năm qua. KCP là một trong những nhà máy đường khởi động vụ ép mía muộn nhất nên phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Từ tháng 7/2013, một số khách hàng của chúng tôi bắt đầu nhận hàng chậm lại vì họ đợi Bộ Công thương duyệt cấp quota nhập khẩu. Khi có được quota, một số khách hàng yêu cầu giảm giá, hủy đặt hàng. Hiện khách hàng của chúng tôi đều sử dụng đường nhập; trong khi vụ ép mới sắp bắt đầu. Chúng tôi đang bị áp lực lớn cả về vốn, lãi suất lẫn kho bãi chứa. Đó là chưa kể đến việc phải trả lương cho công nhân.

 

ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP?

 

Theo các doanh nghiệp sản xuất đường, nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp mất dần khách hàng tiêu thụ là do giá đường nội cao hơn 2.000 đồng/kg so với đường nhập khẩu và đường nhập lậu. Tuy nhiên, nếu hạ giá đường bán ra thì các công ty sẽ lỗ vốn; nhưng nếu không hạ thì không thể giải phóng đường tồn kho. Đây là bài toán khó giải cho các doanh nghiệp hiện nay. Theo ông Nguyễn Xuân Tiên, đơn vị này cần có nguồn cung cấp mía lâu dài nên dù khó đến đâu công ty cũng phải cố gắng ổn định giá mua mía cho người dân. Trong niên vụ 2013-2014, nếu công ty tiếp tục hạ giá mía mua vào thì chắc chắn nông dân sẽ chuyển sang trồng cây khác. Ông R.Subbaiah nói: Mặc dù giá đường giảm nhưng chúng tôi vẫn phải giữ giá mua mía như đã cam kết với nông dân là không dưới 900.000 đồng/tấn. Nguy cơ phá bỏ mía của nông dân có thể xảy ra nếu công ty giảm giá mua mía. Nhưng nếu tình trạng trên vẫn không được giải quyết và giá đường tiếp tục giảm thì chúng tôi không đủ lực để tiếp tục hỗ trợ cho người dân ở vụ mía tiếp theo.

 

Để tháo gỡ khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp rất cần sự quan tâm đúng mức của nhà nước. Theo ông R.Subbaiah, ngành công nghiệp mía đường Việt Nam chỉ mới phát triển trong vòng 15 năm trở lại đây nên chưa thể cạnh tranh với các nước sản xuất đường trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế và chính sách phù hợp cho ngành mía đường. Bởi Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng không ngăn chặn được tình trạng đường nhập lậu vào trong nước; do đó, nên giảm thuế VAT từ 5% về 0% để đường Việt Nam có thể cạnh tranh được với đường nhập lậu, đưa mặt hàng đường ăn vào danh mục ngừng tạm nhập tái xuất nhằm tránh tình trạng gian lận thương mại để tiêu thụ nội địa làm tăng lượng đường dư thừa; đệ đơn trình WTO không cấp quota nhập đường vì hiện tại đường trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, thậm chí dư thừa so với nhu cầu. Trong trường hợp buộc phải cấp quota thì không cấp quota cho các nhà máy đường. Đây không chỉ là giải pháp giúp cho doanh nghiệp mà còn là cách bảo vệ người trồng mía.

 

KHANG ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek