Đầu tư gần 2 tỉ đồng để xây dựng đường ống đưa nước về cấp cho người dân thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây (Phú Hòa) nhưng chỉ mới đưa vào hoạt động một thời gian thì phải tạm ngưng vì đơn vị quản lý thua lỗ kéo dài.
Tốn tiền để bắt đường ống nước nhưng người dân thôn Cẩm Thạch vẫn phải đi gánh nước về dùng vì công trình ngưng hoạt động và giá nước đắt đỏ - Ảnh: T.HƯƠNG
“TIỀN MẤT TẬT MANG”
Thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây (Phú Hòa) có khoảng 1.500 hộ, nhiều năm qua người dân thường phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Do các giếng ở đây ăn theo nguồn nước của hệ thống thủy lợi Đồng Cam, nên vào mùa khô, giếng nước của phần lớn hộ gia đình ở đây gần như trơ đáy, người dân phải đi gánh nước từ các giếng ngoài đồng ruộng về dùng, nhưng nước thường bị nhiễm phèn, vàng ố. Ông Trương Đình Long ở thôn Cẩm Thạch cho hay: “Nhà tôi đã đào 2 giếng nước nhưng chỉ sử dụng được trong mùa mưa, còn mùa khô thì thiếu nước triền miên”. Còn bà Trần Thị Nhị cũng ở thôn này cho hay: “Theo chủ trương di dãn dân của Nhà nước, chúng tôi chuyển vào đội 4B để xây dựng nhà sinh sống. Vì ở trên đồi cao nên rất khó tìm nguồn nước ngầm, khoan giếng đến vài chục mét vẫn không có nước nên hầu hết các gia đình ở đây phải đi gánh từng thùng nước ở cách xa cả cây số”. Theo ông Trần Dư, Trưởng thôn Cẩm Thạch, thôn có 2 khu vực thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt là xóm Hàng Sọp dọc mương thủy lợi Đồng Cam và khu di dãn dân đội 4B ở phía núi với khoảng hơn 100 hộ dân. Bà con đã liên tục đề nghị Nhà nước cho xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân để ổn định cuộc sống.
Trước nhu cầu của người dân, năm 2008, UBND huyện Phú Hòa triển khai dự án cấp nước sạch cho thôn Cẩm Thạch với kinh phí gần 2 tỉ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường. Dự án đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống chính dài hơn 5km, đấu nối với đường ống cấp nước của Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên. Người dân phải bỏ tiền mua đồng hồ và lắp đường ống nhánh dẫn nước từ hệ thống chính vào nhà. Để tạo điều kiện cho người dân có tiền đấu nối, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Hòa cho người dân vay tiền để bắt đường ống nước. Ông Nguyễn Minh Hoàng ở thôn Cẩm Thạch cho biết: “Để có tiền bắt đường ống nước, gia đình tôi đã vay 2,6 triệu đồng của ngân hàng. Sau khi hoàn tất các thủ tục vay, ngân hàng đưa cho tôi 600.000 đồng để mua một số thiết bị nước, 2 triệu đồng còn lại, ngân hàng tự chuyển cho Công ty Hoàn Mỹ để họ thi công đấu nối đường ống nước vào nhà. Mặc dù tốn kém nhưng chúng tôi ai cũng vui mừng vì sẽ không còn cảnh đi gánh nước hoặc sử dụng nước nhiễm phèn nữa. Đây cũng là niềm vui chung của hàng trăm hộ dân ở thôn Cẩm Thạch lúc bấy giờ”.
GÁNH NỢ
Năm 2009, sau khi công trình hoàn thành, HTX Hòa Định Tây được giao quản lý, vận hành. Ban đầu công trình nước sạch của thôn Cẩm Thạch hoạt động khá hiệu quả, giá nước chỉ 4.000 đồng/m3. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, công trình bắt đầu hoạt động không ổn định, nước lúc có lúc không. Ông Lê Văn Trí, một khách hàng sử dụng nước bức xúc: “Thời gian đầu còn có nước dùng ổn định chứ vài tháng sau thì nước thường xuyên bị cắt. Có tháng còn dùng được mươi ngày, có tháng xả vòi chẳng có giọt nước nào”. Không những vậy giá nước còn liên tục tăng. Ông Đoàn Mai, một khách hàng khác cho biết: “Ban đầu HTX bán nước cho chúng tôi với giá 4.000 đồng/m3 như ở thị trấn Phú Hòa, nhưng sau đó lại tăng lên 6.000 đồng, rồi 8.000 đồng và đỉnh điểm là 9.000 đồng/m3 với lý do bị hao hụt nhiều”. Theo người dân ở đây, nước hao hụt là do công tác quản lý, vận hành của HTX kém nhưng người dân lại phải chịu. Người dân phải đi vay tiền để có nước, giờ lại rơi vào cảnh nước cấp không ổn định, giá cao, đúng là tiền mất tật mang.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Hổ, Chủ nhiệm HTX Hòa Định Tây 1 cho biết: “Sau khi tiếp quản hệ thống nước, chúng tôi liên tục bị thua lỗ vì chỉ số nước sử dụng tại công tơ tổng so với tổng công suất sử dụng của đồng hồ đo tại các hộ có chênh lệch quá lớn, có tháng tỉ lệ hao hụt lên đến 78%. Phần hao hụt này HTX không có kinh phí để chi trả nên phải nâng giá nước để bù vào, nhưng vẫn không thể kham nổi, đến tháng 8/2012 đã phải tạm ngưng để cắt lỗ. Cũng theo ông Hổ, khó khăn nhất trong công tác quản lý công trình này là do HTX không có người chuyên trách, phải cử nhân viên phụ trách thủy lợi quản lý nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, hệ thống cấp nước chôn lấp dưới đất nên việc kiểm tra rò rỉ rất khó thực hiện.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, để tìm hiểu nguyên nhân hao hụt, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên phối hợp với đơn vị thực hiện thử áp và cho thấy trên tuyến ống chính không xảy ra rò rỉ. Vì vậy khả năng do các tuyến ống đấu nối dẫn vào nhà dân bị rò rỉ hoặc do đồng hồ nước bị hỏng… Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết: Trước tình trạng công trình cấp nước sinh hoạt tại thôn Cẩm Thạch liên tục bị hao hụt, HTX Hòa Định Tây thua lỗ kéo dài, huyện đã chi 55 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án để trả nợ cho Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên. Để giải quyết triệt để vấn đề này, huyện còn chi 21 triệu đồng từ tiền bảo hành của đơn vị thi công công trình để kiểm tra, rà soát lại toàn hệ thống ống chính để có biện pháp xử lý dứt điểm.
TUYẾT HƯƠNG - MINH DUYÊN