Những ngày qua, nhiều người dân thôn Thạnh Ðức, xã Xuân Quang 3 (Ðồng Xuân) lặn lội đến các vùng cao chặt sặc về róc sạch đem bán cho các nhà vườn ở TP Tuy Hòa cắm trong các chậu hoa.
Người dân thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) róc bóc vỏ sặc - Ảnh: H.NAM
Sặc là một loại cây giống cây sậy, nhưng sậy mọc dọc bờ sông, suối còn cây sặc mọc trên vùng đất xấu các khu gò đồi, rừng núi. Những ngày qua, nhiều người dân ở thôn Thạnh Đức đã tìm đến những nơi có sặc để chặt. Từ 4 giờ sáng họ đã lục tục dậy chuẩn bị rựa và gói cơm mang theo, vượt chặng đường gần 70km theo trục đường phía Tây tỉnh đến xã Xuân Lãnh, Đa Lộc (Đồng Xuân); sang cả vùng rừng núi Đá Giăng của xã Xuân Lâm (TX Sông Cầu), xuống tận các xã An Xuân, An Nghiệp (Tuy An) để chặt cây sặc.
Anh Phùng Văn Liên ở thôn Thạnh Đức tham gia đoàn người đi chặt sặc cho biết: 3 năm nay, cứ đến tháng 9, người dân ở đây lại đổ xô đi chặt sặc. Riêng tôi mới “xuất quân” năm nay. Công việc này kiếm tiền cao hơn ngày công làm thợ hồ, thợ mộc nhưng lại khổ cực!
Ông Nguyễn Xuân Thúy cũng ở thôn Thạnh Đức làm nghề thợ hồ, nhưng mấy ngày qua gác lại việc cầm bay để cầm rựa đi chặt sặc. “Mỗi người chặt được khoảng 1.300 đến 2.000 cây sặc trong 12 giờ cật lực nhưng phải lội suối, vượt ghềnh rất vất vả. Giá bán 1 thiên sặc (1.000 cây) là 200.000 đồng, trung bình mỗi người kiếm được 250.000 đến 300.000 đồng/ngày. Công thợ hồ 150.000 đồng/ngày nên tôi đi chặt sặc, khi hết mùa sẽ đi làm thợ hồ”.
Sặc được chặt về không phải bán ngay mà phải bỏ công róc vỏ. Những ngày này vào chiều tối, dọc theo tuyến đường qua thôn Thạnh Đức hầu như nhà nào cũng bày sặc trước sân róc bóc vỏ, bán cho thương lái. Bà Nguyễn Thị Ba, một người dân ở đây cho biết: “Tuổi già như tôi không làm gì ra tiền nên nhờ con trai đi chặt sặc về, mình ngồi róc sạch vỏ để bán. Thường con tôi đi chặt sặc về khoảng 3 giờ chiều, sau đó cả nhà róc vỏ đến tối xong sẽ có người đến gom hàng”.
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3 Lâm Văn Minh, khi hết mùa mía, thu hoạch lúa bà con nông dân thường đi chặt cây sặc để kiếm thêm thu nhập. Cây sặc chặt được bao nhiêu, thương lái mua hết bấy nhiêu. Nhờ vậy, các hộ gia đình có thêm thu nhập.
Theo nhiều người dân, không phải vùng đất nào cũng có sặc. Hiện cây sặc chỉ mọc ở nơi đất xấu, khô cằn, cạnh suối, khu rừng có cây thưa. Cây sặc được các đại lý đặt hàng mua, dài tối thiểu từ 1,2m đến 1,4m với cây có độ tuổi 3 đến 4 năm. Cây sặc thân láng để ngoài mưa không thấm nước nên lâu mục, khi phơi khô thân cây sặc nhẹ, thích hợp để cắm trong chậu nâng đỡ hoa cúc ở các nhà vườn.
Bà Lương Thị Nở, một chủ vườn trồng hoa cúc ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) cho hay: “Trước đây các nhà vườn thường chặt tre chẻ nhỏ rồi vót thành nan để cắm chậu. Tuy nhiên tre có cây thẳng, cây cong, khi chẻ ra thanh tre nhỏ yếu nên cắm không vững. Hơn nữa cắm bằng thanh tre qua đến hết mùa mưa, hoa cúc vừa ra nụ thì cây mục gãy. Còn cắm cây sặc, đến khi xuất bán hoa không hề hấn gì”.
Theo nhiều người trồng cúc, cây sặc cắm trong chậu không chỉ tạo dáng đẹp mà còn nâng đỡ cúc khi ra hoa. Những chậu cúc của nhàvườn trồng chuyên nghiệp khi ra hoa bông to nhờcây sặc cắm xung quanh chậu “đơm” bông to đứng vững được. Đến thời điểm xuất vườn di chuyển lên xe chở đi các nơi, nhờ có cây sặc nâng đỡ nên hoa không gãy. Do vậy, phần lớn các nhà vườn trồng hoa ở TP Tuy Hòa đã đặt mua cây sặc để chuẩn bị cho vụ hoa tết. Cũng chính vì vậy, nhiều người dân ở huyện Đồng Xuân đã đi chặt sặc bán kiếm thêm thu nhập.
MẠNH HOÀI NAM