Thứ Tư, 27/11/2024 17:27 CH
Khả quan với mô hình trường học mới
Thứ Tư, 22/05/2013 14:30 CH

Được triển khai tại Phú Yên từ năm học 2012-2013, mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) đã bước đầu chứng tỏ tính ưu việt trong việc đổi mới phương pháp giáo dục cho học sinh tiểu học… Ngoài việc giúp học sinh được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá, phát hiện kiến thức thông qua các hoạt động theo nhóm, mô hình này còn kích thích sự sáng tạo, rèn luyện tính độc lập và tự tin trong học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

 

th130522.jpg

Lớp học theo mô hình Trường học mới tại Trường tiểu học số 2 Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa) - Ảnh: T.THIỆN

ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN

 

Năm học 2012-2013, Phú Yên có 9 trường tiểu học tại 9 huyện, thị xã, thành phố được chọn để triển khai thí điểm Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam. Theo Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Phú Yên) Đặng La, điểm mới đầu tiên dễ dàng thấy khi bước vào các lớp học tổ chức theo mô hình này là không gian học tập không phải là dãy bàn ghế kê từ trên xuống dưới như truyền thống, mà được chia thành các nhóm học tập mang những tên gọi khác nhau như: Sơn ca, Sư tử, Họa mi và Sóc nâu. Các em ngồi quay mặt vào nhau và cùng tự học. Mỗi nhóm chọn ra một nhóm trưởng phụ trách. Nhóm trưởng là người chủ động ghi kết quả học tập của nhóm vào bảng tiến độ. Ở giữa bàn sẽ có một thẻ “cứu trợ”, đó là thẻ được sử dụng khi các em gặp bài tập khó chưa biết cách làm hoặc có vấn đề nào trong bài học chưa hiểu thì các em sẽ giơ thẻ báo hiệu để các thầy cô đến giúp đỡ, hướng dẫn. “Với phương pháp dạy và học này, học sinh sẽ giữ vai trò trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn và đồng hành với học sinh, giúp học sinh tự tìm hiểu kiến thức. Nhờ đó, học sinh linh hoạt, sáng tạo và chủ động hơn. Không khí lớp học cũng trở nên thân thiện, sinh động, thú vị hơn với hội đồng tự quản, sơ đồ đội nhóm, sơ đồ cộng đồng”, ông La cho biết.

 

Không chỉ đổi mới về cách tổ chức lớp, tài liệu giảng dạy trên lớp cũng được xây dựng theo hướng khác với sách giáo khoa thông thường. Đó là tài liệu hướng dẫn học tập, được biên soạn, tổng hợp trên cơ sở giữ nguyên chương trình nội dung sách giáo khoa hiện hành cũng như chuẩn kiến thức, kỹ năng, sách giáo viên và sách hướng dẫn học sinh tự học. Mỗi bài học theo mô hình này cũng được xây dựng theo các nội dung: cơ bản (tự trải nghiệm, khám phá để hình thành kiến thức mới), thực hành (áp dụng kiến thức đã học vào bài tập), ứng dụng (vận dụng kiến thức vào cuộc sống). Ngoài ra, trong lớp học còn được trang trí khá bắt mắt và thu hút học sinh với thư viện lớp học, đủ tài liệu các môn để học sinh tham khảo; góc đồ dùng học tập, góc cộng đồng, góc trưng bày sản phẩm... tạo nên một môi trường học tập mới gần gũi và hiệu quả.

 

HỨNG THÚ TRONG HỌC TẬP

 

Mô hình VNEN đưa vào thí điểm ở các trường được học sinh và giáo viên đón nhận rất tích cực. Bởi mô hình này không quy định chặt chẽ về kế hoạch dạy học mà giao quyền tự chủ cho giáo viên. Từ cách tổ chức lớp, tài liệu học tập đến phương pháp giảng dạy, tất cả đều theo hướng đổi mới, thu hút vào tạo cho học sinh sự chủ động, sáng tạo, khám phá kiến thức. Với cách học này, giáo viên và học sinh sẽ tương tác với nhau nhiều hơn, nhờ đó, hiệu quả học tập sẽ cao hơn. Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Quang 4 (Phú Hòa) Nguyễn Sơn Tùng chia sẻ: “Khi mô hình VNEN mới triển khai tại trường, chúng tôi khá bỡ ngỡ và lo lắng vì cách tổ chức dạy và học này rất mới. Để chuẩn bị cho những tiết học đầu tiên theo mô hình mới, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh, thông báo, tuyên truyền và phổ biến nội dung để mọi người hiểu và đồng hành với mô hình trường học mới này. Sau gần một năm triển khai, mô hình này đã thu được những phản hồi rất khả quan từ giáo viên, học sinh và phụ huynh của trường. Mô hình VNEN đã giúp cho học sinh có những thay đổi tích cực, các em được tham gia hoạt động ngoại khóa nhiều hơn, được hướng dẫn tự học theo nhóm nên chủ động và tự tin hơn”. Em Trần Thị Thùy Linh, học sinh Trường tiểu học số 2 Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa bộc bạch: “Được tham gia học tập theo mô hình mới, em thấy rất thích vì chúng em được cô giáo hướng dẫn tự học theo nhóm, tha hồ tự khám phá bài học nên lớp học rất vui, các bạn hào hứng tham gia. Nhiều bạn trước đây nhút nhát nhưng khi tham gia học nhóm đã mạnh dạn và tự tin hơn trong học tập”.

 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, Trưởng ban dự án VNEN tại Phú Yên Nguyễn Thị Ngọc Ái cho biết: “Năm học 2012-2013, cùng với 1.440 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành trong cả nước, Phú Yên được Bộ GD-ĐT phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE) chọn triển khai mô hình trường học mới. Để mô hình này phát huy hiệu quả, Sở GD-ĐT Phú Yên đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để họ tiếp cận với tài liệu học tập của mô hình. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm trường VNEN, tạo điều kiện cho các giáo viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Trong dịp hè này, chúng tôi sẽ tổ chức 4 lớp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 chuẩn bị vào lớp 2 của các trường đang dạy học theo mô hình VNEN với khoảng 120 em theo học. Với sự chỉ đạo sát sao của ngành, sự nỗ lực của các trường đang thực hiện mô hình trường học mới, đặc biệt là sự đồng hành của phụ huynh và sự quan tâm của toàn xã hội, tôi tin rằng mô hình trường học mới sẽ có bước phát triển tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh”.

 

KHÁNH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek