Thứ Năm, 10/10/2024 23:26 CH
Sử dụng “ảnh biết nói” và kịch truyền thông về sức khỏe:
Hiệu quả thay đổi hành vi
Thứ Hai, 03/12/2012 16:00 CH

Hội Y tế thôn bản Phú Yên có những cách làm hiệu quả trong truyền thông thay đổi hành vi về vấn đề sức khỏe cộng đồng. Trong đó, kịch tương tác và “ảnh biết nói” là hai hình thức tuyên truyền được công chúng hưởng ứng cao.

Kich121203.jpg

Các nhân viên y tế thôn, bản diễn kịch có nội dung về tệ nạn xã hội để giới thiệu cách truyền thông tại một hội nghị - Ảnh: T.THỦY

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Y tế thôn, bản Phú Yên, y tế thôn là lực lượng góp phần đáng kể trong các hoạt động y tế tuyến cơ sở, nhất là trong công tác phát hiện và tuyên truyền phòng chống bệnh, dịch tại cộng đồng. Họ được trang bị và đã tập trung vào các kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi bằng phương pháp sáng tạo.

Làm công tác y tế thôn, đội ngũ này có thói quen quan sát để phát hiện những hoạt động, thói quen, hành vi có lợi và không có lợi cho sức khỏe. Tại lớp tập huấn, nhân viên y tế thôn được hướng dẫn cách sử dụng máy ảnh để chụp ảnh, quay phim và cách thuyết phục người dân cùng tham gia chụp ảnh, quay phim. Nhất là cách họ chọn những cảnh nói lên được vấn đề về sức khỏe nổi cộm tại địa phương, giúp người dân tự chụp, tự liên kết và từ đó thảo luận nguyên nhân, đề xuất giải pháp hiệu quả để thay đổi, khắc phục. Họ còn được hướng dẫn viết kịch bản, tập kịch truyền thông. Sau lớp học, các học viên đã có kế hoạch ứng dụng phương pháp làm “ảnh biết nói” tại các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Phú Hòa; kịch truyền thông tại Phú Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa…

Tổ chức truyền thông thay đổi hành vi được diễn ra tại cộng đồng. Các nhân viên y tế thôn xây dựng truyền thông bằng hai phương pháp trên với chủ đề: phòng, chống suy dinh dưỡng, bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

Tại các buổi diễn kịch, nhân viên y tế thôn đã vận động người xem cùng tham gia, từng bước tăng cường nhận thức và thay đổi hành vi vốn không có lợi cho sức khỏe của người dân tại địa phương. Những buổi truyền thông này đều được đông đảo người dân hưởng ứng. Chị Nguyễn Thị Kim Nhung, Phó chủ tịch Hội Y tế thôn, bản TP Tuy Hòa, cho biết: “Tôi đã cùng với nhân viên y tế thôn và người dân diễn kịch truyền thông về vấn đề sử dụng rau sạch ở xã Hòa Kiến; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở phường 8; truyền thông về rác thải và bạo lực gia đình tại phường 3, phường Phú Đông. Qua tuyên truyền, người dân đã dần thay đổi hành vi. Người cao tuổi ý thức trong việc phòng bệnh tiểu đường, tăng huyết áp; người trồng rau đã khắc phục tình trạng xả rác bừa bãi…

 

“Ảnh biết nói” là những hình ảnh hoạt động không có lợi hoặc có lợi cho sức khỏe của người dân tại địa phương mình. Qua đó, người thực hiện giới thiệu những bức ảnh trong buổi sinh hoạt cộng đồng, sau đó đặt câu hỏi, lắng nghe và hỗ trợ người dân nhận thức được vấn đề: thấy gì từ bức ảnh này? tác hại khi có những hành vi, hoạt động này như thế nào? phải làm gì để có thể cải thiện?. Từ những câu hỏi và hình ảnh đưa ra, người chụp ảnh sẽ giúp người dân lập kế hoạch thực hiện. Ở miền núi, các y tế thôn đưa những bức ảnh giúp người dân nhận biết được nuôi gia súc và gia cầm cần xây dựng chuồng trại chăn nuôi cách xa nơi ở; giúp trẻ rửa sạch tay với xà phòng để có bàn tay sạch đẹp, không chơi bẩn, không mút tay.

 

Ở nông thôn, việc thu gom, phân loại hay xử lý rác thải còn quá sơ sài, hay thậm chí còn không xử lý khiến đầu làng, cuối xóm, bờ đê, lòng kênh mương, đôi khi còn ngay cạnh nhà dân, cạnh trường mầm non, nhà văn hóa với đủ các loại rác như túi ni lông, chai lọ, lông gà, lông vịt, xác động vật... Những hệ lụy từ rác vẫn là bài toán để chúng ta suy nghĩ. Rác không bất biến, chỉ biến từ nơi này sang nơi khác nếu chúng ta không có biện pháp xử lý kịp thời, hợp vệ sinh. Cải thiện vệ sinh đi đôi với hệ thống xử lý nước thải, không thải nước bẩn ra sông rạch, đất trống khiến nguy cơ về bệnh tật như tả, tiêu chảy cấp luôn đe dọa sức khỏe của bà con ở đây. Lời khuyên là: Hãy tập thói quen xử lý nước và rác thải đúng cách; cách bảo quản môi trường, nguồn nước sạch... Các gia đình nên quét dọn nhà cửa hàng ngày, phân loại và thu gom rác vào nơi quy định để tái chế hoặc xử lý. Ở nông thôn có thể xử lý rác bằng cách chôn, đốt, ủ làm phân bón. Ở nơi công cộng, rác phải chứa vào các thùng rác công cộng, hàng ngày có xe lấy rác tập trung đem đi xử lý. Đặc biệt, chúng ta nên sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đối với chất thải trong chăn nuôi, cần phải được thu gom hàng ngày, đưa đi ủ hoặc xử lý. Cuối cùng thông điệp đưa ra là: Hãy chung tay bảo vệ môi trường bắt đầu từ việc thay đổi thói quen vứt rác thải bừa bãi!.

Chị Lê Thị Thu Tuyết, Chi hội phó Chi hội Y tế thôn, bản huyện Đồng Xuân, nhân viên y tế khu phố Long Hà (thị trấn La Hai) nói: “Qua tổ chức truyền thông “ảnh biết nói” tại xã Xuân Long và Xuân Sơn Bắc về vệ sinh môi trường, người dân ở các địa bàn này thấy được tác hại của việc “sống chung với rác” ảnh hưởng đến sức khỏe, đã sớm khắc phục”.

 

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lợi ích nhiều mặt cho ngư dân
Thứ Hai, 03/12/2012 14:00 CH
Thiết bị giúp người mù đi xe đạp
Chủ Nhật, 02/12/2012 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek