Chủ Nhật, 13/10/2024 03:25 SA
Nhân rộng mô hình nuôi vịt an toàn sinh học
Thứ Hai, 06/08/2012 15:00 CH

Đề tài “Chọn lọc nhân thuần, nâng cao năng suất chất lượng đàn vịt Khakicampbell và xây dựng mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh”, do kỹ sư Phạm Xuân Quang (Sở NN-PTNT Phú Yên) làm chủ nhiệm, đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh nghiệm thu và đề nghị UBND tỉnh cho phép tiếp tục nhân rộng mô hình này.

 

vit120806.jpg

Nuôi vịt chạy đồng ở huyện Đông Hòa - Ảnh: T.HƯƠNG

Phú Yên có nghề chăn vịt chạy đồng từ lâu đời và trở thành nghề chăn nuôi chính của hàng trăm hộ nông dân. Đặc biệt, từ khi có giống vịt siêu trứng Khakicampbell (phù hợp với điều kiện nuôi và hiệu quả) thì phong trào nuôi vịt ở nhiều vùng nông thôn phát triển. Tuy nhiên, việc chăn nuôi mang tính tự phát thiếu định hướng đã khiến cung vượt cầu, ảnh hưởng dịch cúm gia cầm, không ít hộ chăn nuôi vịt thua lỗ. Khôi phục lại chất lượng đàn vịt giống Khakicapbell hiện có, chủ động nguồn con giống có chất lượng cung cấp cho các hộ nuôi, xây dựng mô hình nuôi vịt an toàn sinh học chuyển từ phương thức chăn nuôi “chạy đồng” sang chăn nuôi nhốt để kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu của đề tài này.

 

HIỆU QUẢ CAO

 

Qua 3 năm triển khai thực hiện, đề tài của kỹ sư Phạm Xuân Quang đã tạo được một đàn vịt giống thế hệ F4 thuần, đảm bảo chất lượng tương đương với vịt thuần giống gốc, đủ tiêu chuẩn để sản xuất con giống cung ứng cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đề tài cũng đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi vịt nhốt, chuyển giao hơn 13.000 con vịt giống cho nông dân nuôi theo mô hình an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều hộ chăn nuôi vịt tham gia. Kết quả nghiên cứu thực tế của đề tài cũng đã hoàn thiện quy trình chăn nuôi vịt an toàn sinh học phù hợp với điều kiện của địa phương.

 

Các chỉ tiêu cơ bản trong chăn nuôi như: chất lượng giống, tỉ lệ nuôi sống, chất lượng trứng, chi phí đầu vào thức ăn... theo đề tài “Chọn lọc nhân thuần, nâng cao năng suất chất lượng đàn vịt Khakicampbell và xây dựng mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học”, đều vượt trội hơn so với cách nuôi chạy đồng trước đây. So sánh về kinh tế, tuổi đẻ trứng thấp hơn 9 ngày, sản lượng trứng cao hơn 30 quả/con/năm, chi phí thức ăn giảm 0,19kg/10 quả trứng của đàn vịt giống thuần Khakicambell thuộc đề tài so với đàn vịt chạy đồng cùng giống. Về hiệu quả xã hội, đề tài đã tạo ra một thế hệ vịt thuần chất lượng tốt, sản lượng trứng cao, sạch bệnh, có thể nhân giống cung ứng cho người chăn nuôi (đến nay đề tài đã cung ứng 13.450 con vịt mái giống thuần cho nông dân ba huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa); nâng cao trình độ, nhận thức cho người chăn nuôi vịt về công tác chọn giống, các biện pháp nuôi an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh... Ông Đinh Ngọc Sáng, cán bộ theo dõi kỹ thuật mô hình nuôi vịt an toàn sinh học ở xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) cho biết: “Các chỉ tiêu về kỹ thuật như: trọng lượng vịt, màu lông, chỉ tiêu về sinh sản (số lượng trứng, tỉ lệ trứng có phôi, trọng lượng trứng...), chỉ số tiêu tốn về thức ăn... của vịt nuôi mô hình đều hơn hẳn so với vịt nuôi theo phương thức truyền thống”. Ông Phan Văn Trọng, hộ nuôi vịt mô hình với 2.250 con ở xã Hòa Phong Tây Hòa) nhận xét: “So với cách nuôi chạy đồng, vịt nuôi mô hình an toàn sinh học được kiểm tra chặt chẽ từ con giống, quy trình chăm sóc, nhất là khâu phòng bệnh rất tốt”.

 

CẦN NHÂN RỘNG

 

Nhận xét về những kết quả đề tài, hầu hết các thành viên của Hội đồng khoa học cấp cơ sở và cấp tỉnh cho rằng, đề tài “Chọn lọc nhân thuần, nâng cao năng suất chất lượng đàn vịt Khakicampbell và xây dựng mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học” đã chọn đúng và trúng đối tượng để nghiên cứu, mang tính ứng dụng cao. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: “Kết quả đề tài là rất tích cực, đáp ứng tương đối các mục tiêu, số lượng so với thuyết minh ban đầu. Về giá trị khoa học, đề tài đã tạo và nhân thuần giống vịt Khakicampbell đang được sử dụng ngay tại địa phương, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng con giống, nâng cao hiệu quả kinh tế và phổ biến ứng dụng mô hình nuôi vịt an toàn sinh học. Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp của tỉnh có quy hoạch, định hướng trong lĩnh vực chăn nuôi vịt trong thời gian tới”.

 

Ông Đào Tứ Xuyên, Giám đốc Sở KH-CN, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp tỉnh, nhận xét: “Đối tượng mà đề tài chọn nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương. Kết quả thực hiện đề tài tương đối tốt. Hiện tại nhu cầu về giống vịt thuần Khakicampbell trên địa bàn tỉnh Phú Yên rất lớn. Do vậy, Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học nhằm thay thế dần đàn vịt hiện có của địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo sản phẩm sạch cho cộng đồng”.

 

Quy trình chăn nuôi vịt an toàn sinh học với những nội dung cơ bản như sau:

 

1. Chuồng trại: Đảm bảo các yếu tố xa khu dân cư, sạch sẽ, khô ráo, sát trùng, đủ diện tích, được che chắn...

 

2. Con giống: Nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí sinh học

 

3. Kỹ thuật chăm sóc nuôi vịt con từ 1-8 tuần tuổi

 

4. Kỹ thuật chăm sóc nuôi vịt hậu bị từ 9-21 tuần tuổi

 

5. Kỹ thuật nuôi vịt đẻ (từ 21 tuần tuổi đến loại thải)

 

6. Công tác thú y...

 

THẾ NHƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek