Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Rice hy vọng công nghệ nano có thể được sử dụng một cách hiệu quả để tầm soát ung thư.
Hình ảnh thu được từ chiếc camera ứng dụng công nghệ nano. Nguồn: futurity.org
Các nhà nghiên cứu đã đưa công nghệ nano vào một camera tự động giúp các thầy thuốc phân biệt giữa các tế bào khỏe mạnh và các tế bào ung thư trong cơ thể người.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Rice cho biết các bác sĩ có thể sử dụng chiếc camera cải tiến này để nhìn thấy những tế bào ung thư trên màn hình LCD nhỏ của camera. Các phân tử nano phát ra những tia màu huỳnh quang giúp các bác sĩ dễ dàng và nhanh chóng chẩn đoán hình ảnh nhằm phân biệt tế bào khỏe mạnh với tế bào ác tính.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng công nghệ này có thể được sử dụng để tầm soát ung thư một cách thường xuyên.
Căn cứ vào ba tiêu chí về tính cơ động, hiệu suất và phí tổn, những chiếc camera này có thể được sử dụng với chi phí thấp hơn tại các nước phát triển cũng như những nước nghèo.
Theo trường Đại học Rice, khi các phân tử nano nhuộm màu lên tế bào, một chùm nhỏ các sợi cáp quang gắn với camera Olympus E-330 (giá chỉ 400 USD) được dùng để ghi lại hình ảnh. Các màu nhuộm sẽ khiến nhân tế bào phát sáng và hình ảnh sẽ được cáp quang thu nhận.
Vì các nhân tế bào ác tính và tiền ung thư bị biến dạng so với các tế bào bình thường và khỏe mạnh khác nên chúng dễ bị phát hiện trên màn hình LCD nhỏ của chiếc camera này.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên ba loại tế bào khác nhau gồm tế bào ung thư được cấy trong phòng thí nghiệm, mẫu bệnh phẩm được cắt bỏ từ khối u mới nhất và mô khỏe mạnh được quan sát trong miệng bênh nhân.
Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng các kỹ thuật bằng hình ảnh và màu sắc gần giống với phương pháp các nhà nghiên cứu bệnh học áp dụng từ nhiều năm nay trong xét nghiệm sinh thiết để phân biệt các tế bào khỏe mạnh với các tế bào ác tích.
Tuy nhiên, do đầu các sợi cáp quang này nhỏ và có thể đặt nhẹ vào thành má trong của bệnh nhân nên công nghệ nano có ưu điểm hơn so với việc xét nghiệm sinh thiết là giảm đau đáng kể cho người bệnh và có kết quả rất nhanh, chỉ trong vài giây thay vì phải chờ đợi nhiều ngày.
Theo Vietnam+