Đồng chí Đào Tứ Xuyên, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Phú Yên, trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên về phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) giai đoạn 2010-2015.
Sản xuất hoa lan ở Trạm thực nghiệm Hòa Quang (huyện Phú Hòa) - Ảnh: M.NGUYỆT
* Hoạt động KHCN trong thời gian tới có những điểm mới gì, thưa đồng chí?
- Sở KHCN Phú Yên đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các cơ chế ưu đãi về hoạt động KHCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực phát triển. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu những vấn đề lý luận phục vụ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa địa phương và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại địa phương. Hoạt động KHCN cũng sẽ nghiên cứu những nội dung phục vụ cho hoạt động kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển, đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ thích hợp cho khu vực nông nghiệp, công nghiệp, vùng nông thôn, miền núi; chú trọng các vùng đặc biệt khó khăn nhằm phát huy thế mạnh vùng miền, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Tập trung đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ KHCN cả về số lượng và chất lượng, đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng KHCN.
* Hoạt động này được xác định với mục tiêu như thế nào?
- Ngành KHCN sẽ nâng cao tiềm lực KHCN của tỉnh đạt trình độ khá trong khu vực, trung bình – khá trong nước vào năm 2015, tăng hàm lượng KHCN trong các sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh, tạo chuyển biến cơ bản về năng suất, chất lượng và hiệu quả ở một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Ngành cũng sẽ cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần phục vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập vào nền kinh tế khu vực, thế giới. Nâng cao trình độ, chất lượng và hiệu quả của các công trình nghiên cứu, tăng số lượng công trình khoa học đạt trình độ xuất sắc, khá; bố trí trên 50% nhiệm vụ của các chương trình KHCN cấp tỉnh được ứng dụng và phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và công nghệ mới phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế địa phương. Đưa vào vận hành, tăng cường thu hút đầu tư và hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cao vào Khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao Hòa Quang, hình thành đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ đủ sức tổ chức nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ KHCN của tỉnh.
* Theo đồng chí, để đạt được mục tiêu đề ra, điều kiện cần phải có là gì?
- Trước hết, cần xây dựng chiến lược phát triển KHCN tỉnh Phú Yên, xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện hoạt động KHCN cho các cấp ngành, cơ sở trong tỉnh. Tăng nguồn đầu tư kinh phí cho sự nghiệp KHCN đảm bảo nâng lên đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm các cá nhân, tổ chức hoạt động KHCN các phương tiện hoạt động thường xuyên. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tư vấn KHCN, các tổ chức hoạt động KHCN trong tỉnh. Các trung tâm hoạt động KHCN kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm chuyển đổi theo mô hình đơn vị sự nghiệp khoa học công lập nghiên cứu khoa học phục vụ các dịch vụ công ích của nhà nước. Hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Khu Nông nghiệp áp dụng công nghệ cao Hòa Quang để thu hút các dự án có hoạt động KHCN đầu tư các dự án công nghệ cao vào khu nông nghiệp này. Xây dựng trung tâm thí nghiệm trọng điểm của tỉnh, các phòng thí nghiệm của Trường Đại học Phú Yên, các trường cao đẳng đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
* Các chính sách hoạt động KHCN sẽ tập trung vào những điểm gì?
- Đó là việc xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn cao về tỉnh phục vụ. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế gắn với tự do hóa thương mại KHCN, tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư, tăng khả năng tiếp cận với công nghệ tiên tiến, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế địa phương. Ngoài ra, ngành sẽ xây dựng chính sách ứng dụng tiến bộ khoa học, đưa KHCN, cán bộ KHCN đến vùng nông thôn miền núi khó khăn.
* Xin cảm ơn đồng chí!
MINH CHÂU (thực hiện)