Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) cấp huyện, thị, thành phố hiện còn nhiều bất cập. Để tăng cường năng lực quản lý hoạt động KHCN cấp cơ sở, cần có sự tháo gỡ kịp thời, đồng bộ để lĩnh vực này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Người dân xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng hoa cúc - Ảnh: MINH NGUYỆT |
Đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào các hoạt động và sản phẩm trong sản xuất và đời sống là việc cần quan tâm nhất trong hoạt động KHCN các huyện, thị, thành phố. Việc quản lý tốt các hoạt động KHCN tại các địa phương có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội trên từng địa phương trong tỉnh, đặc biệt mang ý nghĩa thiết thực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đội ngũ cán bộ chuyên trách về KHCN ở các địa phương hầu hết là cán bộ trẻ, năng động, có trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, về năng lực quản lý KHCN cấp huyện ở các phòng chuyên môn của UBND huyện, thị, thành phố cũng như Sở KHCN còn gặp nhiều khó khăn. Chức năng quản lý KHCN cấp cơ sở được chuyển từ Phòng Nông nghiệp - PTNT sang Phòng Công thương là công việc mới của phòng chuyên môn nên chưa đủ kinh nghiệm trong công tác quản lý, gặp nhiều lúng túng, khó khăn. Mặt khác, các cán bộ quản lý KHCN của các huyện, thị, thành phố có một số là cán bộ chuyên trách nhưng còn kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác của phòng nên chưa chuyên sâu trong quản lý, thêm vào đó là một số cán bộ chưa có trong biên chế nên họ chưa thực sự yên tâm trong công tác. Sở KHCN cũng đã thành lập Phòng Quản lý KHCN cơ sở, những người phụ trách bộ phận này từ các phòng chuyên môn khác chuyển sang mà trước đây kiêm nhiệm nên cũng gặp không ít khó khăn.
Hoạt động KHCN cấp huyện chưa được đưa vào trong các chương trình, nghị quyết của các huyện, thị, thành phố nên lãnh đạo địa phương chưa có sự quan tâm rõ nét. Hoạt động này chưa mang tính chủ động, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách ở tỉnh cấp xuống, chưa phát huy được nguồn lực và tính sáng tạo ở địa phương. Trong quản lý đề tài, dự án thực hiện ở cấp huyện, việc đánh giá khách quan tính khả thi của các mô hình, đề tài, dự án chưa được đề cập hoặc nếu có cũng chưa được xem xét kỹ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của đề tài, dự án. Trong các lĩnh vực hoạt động KHCN khác như tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ… chưa tăng cường mạnh mẽ. Đến nay vẫn chưa có các văn bản pháp quy hoàn chỉnh từ bộ cho đến tỉnh về hoạt động KHCN cấp huyện nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn cho các phòng chuyên môn. Lực lượng cán bộ làm công tác chuyển giao, ứng dụng, nghiên cứu đưa tiến bộ kỹ thuật ở các lĩnh vực tại cấp huyện còn thiếu, làm chậm tiến trình đưa KHCN tiên tiến về cấp huyện, xã.
Để tháo gỡ những khó khăn, trước hết công tác tổ chức cần hoàn chỉnh bộ máy quản lý Nhà nước về KHCN cấp huyện, tăng cường cán bộ quản lý KHCN, giải quyết biên chế cho cán bộ chuyên trách KHCN cấp huyện để mang tính ổn định, yên tâm công tác. Đây là công việc khó khăn đòi hỏi có sự quan tâm của UBND huyện, thị, thành phố, phòng nội vụ và sự tác động của Sở KHCN đến Sở Nội vụ. Bên cạnh đó, cần tăng cường cán bộ làm công tác chuyển giao, ứng dụng thúc đẩy nhanh việc đưa tiến bộ kỹ thuật về các huyện, xã. Ngoài việc tham dự các lớp tập huấn về quản lý KHCN cấp huyện, cần đưa hoạt động KHCN vào chương trình, nghị quyết của huyện, thị, thành phố nhằm tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương. Sở KHCN tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định quản lý các nhiệm vụ kHCN cấp huyện để cụ thể hóa công tác quản lý bằng các văn bản pháp quy thống nhất trên tất cả các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh.
NGUYỄN THỊ BÍCH TRÂM
(Sở Khoa học Công nghệ Phú Yên)