Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị trực tuyến quốc tế chuyên đề ICT và biến đổi khí hậu lần đầu tiên.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng. Ảnh: mic.gov.vn
Theo website chính thức của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), một cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, và nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), vào ngày 23/9 tới đây, tại Seoul (Hàn Quốc) sẽ diễn ra hội nghị chuyên đề trực tuyến quốc tế lần đầu tiên về ICT và biến đổi khí hậu do ITU và Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) phối hợp tổ chức. Hội nghị có chủ đề là "Sức mạnh của ICT để cứu hành tinh" sẽ có sự tham gia của các chuyên gia quan trọng trong ngành ICT từ các nhà hoạch định chính sách hàng đầu cho đến các kỹ sư, nhà thiết kế, các quan chức chính phủ.
Chủ đề sẽ được thảo luận bao gồm ICT xanh để đối phó với biến đổi khí hậu, các công nghệ sạch và các ứng dụng thông minh, giảm tác động đến môi trường của ICT và xây dựng một tương lai xanh.
Hội nghị sẽ có hai bài phát biểu chính của Tổng thư ký ITU, ông Hamadoun I. Toure từ
Ngoài ra, các phiên thảo luận bàn tròn trực tuyến sẽ có các bài trình bày từ các đại biểu ở Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Thụy Sỹ, Việt Nam và Hàn Quốc.
Đây là sự kiện trực tuyến do vậy bất cứ ai trên thế giới có kết nối Internet cũng có thể theo dõi trực tiếp tại địa chỉ này. Bạn cũng có thể tham gia vào sự kiến, bình luận hoặc đặt câu hỏi bằng cách đăng ký tại đây.
ICT và biến đổi khí hậu
Theo ITU, các công nghệ thông tin và truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khi hậu thông qua giảm khí thải nhà kính (GHG).
Việc gia tăng sử dụng ICT không thể tranh cãi là một phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu với hàng trăm triệu chiếc máy vi tính và hơn 1 tỷ bộ TV chưa bao giờ tắt hoàn toàn vào buổi đêm ở các hộ gia đình và trong các văn phòng. Song ICT cũng có thể là một phần chính trong giải pháp chống biến đổi khí hậu bởi vai trò của chúng trong việc giám sát, giảm nhẹ và làm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có một số nguyên nhân khác nhau gây nên biến đổi khí hậu, trong đó phần nhiều là phát sinh tự nhiên (như sự biến đổi ở trong bức xạ mặt trời và hoạt động núi lửa). Tuy nhiên, tác động của con người đến biến đổi khí hậu là vấn đề đáng quan ngại bởi nó rõ ràng đang dẫn đến một sự lũy tiến và gia tốc nhiệt độ của hành tinh - kết quả của việc thải ra khí thải nhà kính, chủ yếu là khí thải có chứa nguyên tố carbon. Nghiên cứu của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) cho thấy lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu đã tăng 70% kể từ năm 1970.
Bản thân lĩnh vực ICT (khái niệm này gồm viễn thông, điện toán và Internet nhưng không bao gồm thiết bị thu nhận, truyền dẫn tín hiệu) đóng góp khoảng 2-2,5% khí thải GHG, tương đương dưới 1 tỷ tấn CO2. Trong đó, năng lượng đáp ứng cho PC và màn hình chiếm phần lớn, 40%, tiếp đến là các trung tâm dữ liệu đóng góp đến 23%. Điện thoại cố định và di động đóng góp khoảng 24% tổng thể.
Khi ngành ICT ngày càng phát triển nhanh hơn phần còn lại của nền kinh tế, thị phần này có thể tăng lên nữa. Song ICT có tiềm năng hỗ trợ cho việc tìm ra giải pháp giảm 97,5% lượng khí thải nhà kính còn lại từ các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Biểu đồ 1- Dự tính phát thải khí thải CO2 toàn cầu từ ICT năm 2007. Nguồn: ITU
ICT góp phần làm khí hậu nóng lên. Đây là kết quả từ một số nguồn, gồm có:
Số lượng người dùng ICT tăng nhanh (chẳng hạn số thuê bao di động tăng từ 145 triệu năm 1996 lên hơn 4 tỷ vào cuối năm 2008).
Nhiều người sử dụng ICT sở hữu các thiết bị đa năng.
Tăng năng lượng xử lý và năng lượng truyền tín hiệu (chẳng hạn công nghệ di động thế hệ thứ 3 -3G – hoạt động ở các dải tần số cao hơn và cần nhiều năng lượng hơn 2G).
Xu hướng sử dụng chế độ “luôn bật” và xu hướng lưu trữ hơn là xóa đi các tư liệu cũ.
Sử dụng ICT sẽ tiếp tục gia tăng và vì vậy, rất quan trọng là ngành ICT nay phải thực hiện các bước kiềm chế và cuối cùng là giảm khí thải carbon của mình.
Theo ICTnews