Việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước được thể chế hóa, cụ thể hóa thông qua nghị định đang được Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì dự thảo là một trong những nỗ lực hướng tới chính phủ điện tử, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Giao diện Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Phú Yên.
Hiện nay, đa số tỉnh, thành phố đã có trang thông tin điện tử, cổng giao dịch điện tử, hàng trăm website của các sở, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học được thiết lập. Dự kiến, đến năm 2010, 100% cơ quan nhà nước có trang web. Do đó, nhằm tạo một chuẩn thống nhất trong việc ứng dụng CNTT nói chung tại các cơ quan nhà nước cũng như việc cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến đối với các website, cổng thông tin điện tử (TTĐT), dự thảo nghị định nêu rõ 10 đề mục thông tin chủ yếu mà các trang web, cổng TTĐT phải có.
Đó là thông tin giới thiệu; tin tức, sự kiện; thông tin chỉ đạo, điều hành; thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách; chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và văn bản quản lý hành chính có liên quan; thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu, mua sắm công; mục lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân; danh bạ điện thoại liên hệ của cán bộ, công chức có thẩm quyền; thông tin giao dịch.
Dự thảo cũng yêu cầu phiên bản tiếng Anh phải có các thông tin tối thiểu là thông tin giới thiệu và thông tin giao dịch.
Để các trang web, cổng TTĐT phát huy tác dụng, giao tiếp tốt với người dân, trở thành kênh thông tin để giao tiếp quốc tế, một số tiêu chuẩn cần phải có đối với bất kỳ website hiện đại nào, như chức năng tìm kiếm thông tin, chức năng hỏi đáp, tiếp nhận thông tin phản hồi...
Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và những yêu cầu để đảm bảo việc cập nhật thường xuyên các mục thông tin, xử lý dịch vụ công trực tuyến, duy trì hoạt động và phát triển website, cổng TTĐT nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách thuận tiện và hiệu quả được quy định rõ trong dự thảo nghị định.
Cụ thể, thời gian cập nhật các thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và văn bản quản lý hành chính có liên quan không quá 2 ngày làm việc.
Đối với thông tin về chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển, thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu, mua sắm công, thời gian cập nhật không quá 10 ngày làm việc kể từ khi chiến lược, quy hoạch, dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu được phê duyệt.
Để hỗ trợ người khuyết tật, trong dự thảo quy định website, cổng TTĐT của cơ quan nhà nước cần được áp dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật tiêu chuẩn để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, các website, cổng TTĐT của cơ quan nhà nước cần có một chức năng quan trọng cho phép người sử dụng gửi câu hỏi, ý kiến trực tiếp hoặc cung cấp địa chỉ thư điện tử tiếp nhận.
Theo dự thảo, chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin, cơ quan nhà nước có trách nhiệm trả lời kết quả hoặc thông báo quá trình xử lý thông tin tới tổ chức, cá nhân. Đối với những vấn đề có liên quan chung thì phải đăng câu trả lời lên webiste, cổng TTĐT.
Một trong những yêu cầu quan trọng đối với các website, cổng TTĐT là việc tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, cổng TTĐT Chính phủ đóng vai trò làm đầu mối tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ chỉ đạo Cổng TTĐT Chính phủ thực hiện vai trò làm đầu mối kết nối mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ với các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương; tích hợp thông tin các dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ.
Theo chinhphu.vn