Chất thải từ các nhà máy sản xuất bia có thể được sử dụng để tạo ra điện. Giám đốc kỹ thuật Wolfgang Bengel của Công ty Sản xuất khí đốt sinh học BMP Biomasse Projekt (Đức) nói với Livescience. Quá trình sản xuất bia tiêu tốn khá nhiều năng lượng.
Bạn phải đun sôi nguyên liệu, sử dụng nhiều nước nóng và hơi nước. Sau đó bạn phải dùng điện trong công đoạn làm lạnh. Vì thế nếu có thể giảm được khoảng 50% chi phí điện nhờ bã bia thì đó là khoản tiết kiệm lớn. Bã ngũ cốc ướt và nước thải được đưa vào một bể chứa men và vi khuẩn. Các hợp chất hữu cơ sẽ bị vi khuẩn phân hủy để tạo ra khí metan. Khí này và phần bã khô từ bể được đốt cháy để đun nước và tạo ra dòng hơi nước áp suất cao. Hơi nước sẽ làm quay turbine để tạo ra điện. “Với quá trình đó, một nhà máy bia hiện đại có thể tự sản xuất tới 60% nhu cầu điện”, Bengel khẳng định.
Bengel và các cộng sự của ông đang cố gắng thuyết phục các nhà máy bia áp dụng công nghệ sản xuất điện từ bã bia. Các nhà máy có thể mua thiết bị rồi tự lắp đặt hoặc các công ty xử lý rác có thể mua các thiết bị rồi bán điện cho nhà máy bia. Bengel cho biết, một số công ty đã cử người tới xem mô hình thử nghiệm của ông.
N. MINH (tổng hợp)