Tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), Viện Khoa học khí tượng thủy văn - môi trường vừa tổ chức chuyển giao kết quả đề án Xây dựng bản đồ hạn hán, mức độ thiếu nước sinh hoạt vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Do thiếu nước sinh hoạt, nhiều người dân xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) phải đi gùi nước suối về dùng - Ảnh: N.CƯỜNG |
Đề án đã xây dựng 134 bản đồ chuyên đề về hạn hán, mức độ thiếu nước sinh hoạt gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lăk, Đắk Nông, Lâm Đồng; được xây dựng trên những kinh nghiệm các kết quả nghiên cứu nhiều năm về hạn hán, tài nguyên nước của Viện Khoa học khí tượng thủy văn- môi trường cùng các đơn vị phối hợp. Các phương pháp nghiên cứu, xác định các đặc trưng, chỉ số hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, công nghệ xây dựng bản đồ có cơ sở khoa học, thực tiễn, phù hợp với yêu cầu giám sát, phòng chống hạn hán cũng như yêu cầu bảo đảm các nhu cầu nước sinh hoạt cho 9 tỉnh trong khu vực.
Các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên được xác định là vùng khô hạn, thiếu nước thường xuyên. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của El Nino nên mức độ hạn hán, thiếu nước đối với sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của các tỉnh ở khu vực này ngày càng trầm trọng. Đề án Xây dựng bản đồ hạn hán, mức độ thiếu nước sinh họat vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nhằm góp phần hỗ trợ các địa phương tại khu vực thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sinh hoạt giám sát, kịp thời đề xuất các biện pháp giải quyết.
ĐẶNG THANH BÌNH