Phú Yên là 1 trong 13 tỉnh trong cả nước được chọn triển khai chương trình Bảo tồn, ứng dụng đa dạng sinh học Châu Á (BUCAP) giai đoạn 2 (2006 – 2012) do tổ chức SEARICE và Quỹ Phát triển của Nauy hỗ trợ. Chương trình này đang giúp nông dân trong tỉnh tự chủ hơn trong việc tuyển chọn các giống lúa có chất lượng phục vụ sản xuất, phù hợp giai đoạn hiện nay.
Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên chuyển giao kỹ thuật bảo tồn, phát triển nguồn gen cây lúa cho nông dân - Ảnh: Q.ĐẠT |
Sau 3 năm (2006 – 2008) triển khai chương trình BUCAP, thông qua các hoạt động chọn tạo giống mới tại cộng đồng, nông dân Phú Yên đã nâng cao sự hiểu biết, chủ động chọn tạo giống cũng như phương pháp giải quyết các vấn đề khó khăn liên quan đến sản xuất lúa, bảo tồn và phát triển đa dạng nguồn gen cây lúa. Tính đến cuối vụ sản xuất lúa đông xuân 2008 – 2009, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đã triển khai 10 lớp tập huấn với trên 2.524 ha sạ các giống của chương trình BUCAP, thu được 32 tấn lúa giống phục vụ cho vụ sau; gần 64 tấn lúa giống cung ứng trao đổi trong phạm vị xã, huyện, số lúa giống tuyển chọn từ các dòng phân ly được đặt tên, gồm: HK2.1, HK2.2, (HTX Hòa Kiến 2), HMT 1, HMT 2 (Hòa Mỹ Tây). Sản xuất hạt lai khoảng 12 cặp lai/vụ và đang tiếp tục theo dõi tới vụ bốn. Vụ đông xuân 2008 – 2009 có 2.339 hộ nông dân tham gia tất cả các hoạt động của BUCAP và xây dựng được ba câu lạc bộ sản xuất giống BUCAP…
Điểm nổi bật của chương trình BUCAP tại Phú Yên là chỉ phát triển chương trình ở xã theo chiều sâu, tập trung huấn luyện tinh thông một nhóm nông dân làm nòng cốt để mở rộng về sau, đồng thời hỗ trợ cho mỗi xã tham gia chương trình chỉ ba vụ. Tuy nhiên, ở Phú Yên các hoạt động nghiên cứu đồng ruộng vẫn được duy trì, nhất là hoạt động chọn dòng phân ly các hạt lai vẫn được tiếp tục ít nhất đến vụ thứ 10, nguồn kinh phí này sẽ do các hợp tác xã hỗ trợ và nông dân tham gia chương trình BUCAP, sinh hoạt trong tại các câu lạc bộ sản xuất giống tiến hành. Do vậy, chương trình BUCAP ở Phú Yên vẫn liên tục triển khai và phát triển rộng khắp, tạo nên một phong trào như chương trình IPM trước đây.
Để chương trình BUCAP đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự ủng hộ của các cơ quan chức năng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo địa phương và người dân về việc ứng dụng và bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời, trên cơ sở nền tảng sẵn có của Chương trình IPM trước đây và nhu cầu bức thiết của nông dân về giống lúa tốt phục vụ sản xuất nên hầu hết các địa phương đều mong muốn chương trình BUCAP triển khai tại địa phương mình. Các địa phương như Tây Hòa, Đông Hòa, Sông Cầu, TP Tuy Hòa… đều có chỉ thị cho các phòng nông nghiệp và hợp tác xã phát triển chương trình BUCAP bằng nguồn kinh phí khuyến nông. Các đoàn thể như Nông dân, Phụ nữ cũng đăng ký mở lớp BUCAP cho hội viên. Do vậy, hàng vụ ngoài các lớp BUCAP do Cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ, còn triển khai nhiều lớp tập huấn khác bằng nguồn kinh phí của phòng nông nghiệp hoặc của hợp tác xã. Ban Quản lý chương trình BUCAP quốc gia đã đưa các hoạt động lai tạo giống, phục tráng và đăng ký giống vào các lớp BUCAP, trang bị kiến thức chuyên sâu cho giáo viên và theo dõi sát các lớp thông qua báo cáo đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ. Với nguồn nhân lực tuy không dồi dào nhưng được trải đều ở các huyện, nhất là lực lượng cán bộ bảo vệ thực vật đã qua khóa đào tạo của chương trình IPM đang đảm đương tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nông dân. Các hoạt động của nông dân thực hiện chương trình BUCAP phần lớn là do sự huấn luyện bởi lực lượng này.
Mục tiêu của chương trình BUCAP là đáp ứng nhu cầu của nông dân trong việc sử dụng các giống lúa tốt và đa dạng giống trên đồng ruộng, phù hợp với chủ trương phát triển sản xuất cây lúa trong giai đoạn hiện nay.
ĐẶNG VĂN MẠNH
Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Phú Yên