Bên cạnh các đề tài, dự án được triển khai nhân rộng, hiện còn khá nhiều kết quả nghiên cứu khoa học ở Phú Yên vẫn đang nằm im trong tủ một cách lãng phí. Hội đồng Khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh đang tìm cách ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống.
Mô hình xử lý nước thải từ các ao nuôi tôm bằng phương pháp sinh học do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Phú Yên thực hiện đã được triển khai nhân rộng. - Ảnh: MINH NGUYỆT
NHIỀU ĐỀ TÀI, DỰ ÁN CHƯA ĐƯỢC NHÂN RỘNG
Tại kỳ họp Hội đồng KHCN tỉnh mới đây, điều mà các thành viên hội đồng trăn trở nhất là số lượng đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nghiệm thu đạt kết quả trong thời gian qua được nhân rộng còn ít. Hết thời gian nghiên cứu, phần lớn các chủ nhiệm, cơ quan thực hiện đề tài, dự án coi như… hết trách nhiệm. Lý do để kết quả nghiên cứu không được ứng dụng là không có kinh phí và nhân lực. Ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên Giám đốc Sở KHCN Phú Yên nói: “Các ngành kinh tế cần chủ động nhân rộng các đề tài, dự án đã nghiên cứu thành công chứ không thể nào trông chờ vào vốn khoa học. Ví dụ, với các đề tài Xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha, Quy trình kỹ thuật trồng cây khoai môn năng suất cao… thì ngành Nông nghiệp phải phát động nhân rộng”. Còn theo ông Biện Minh Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên: “Phú Yên huy động được nhiều cán bộ, đơn vị đăng ký đề tài. Tuy nhiên, với nguồn vốn có hạn nên Hội đồng KHCN cần chọn lọc để cái đích cuối cùng là đề tài, dự án sau khi nghiên cứu phải được nhân rộng. Hội đồng KHCN cho phép ngành Nông nghiệp thực hiện chương trình tam nông trên cơ sở chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND. Do vậy, cần có nguồn lực KHCN, cần cải tiến, chú trọng triển khai nhân rộng. Việc này nên đưa về các ngành chuyên môn để triển khai sẽ thuận tiện hơn. Các ngành sản xuất lớn cần có đề cương, dự án dựa vào chương trình tam nông”.
Cái khó của việc nhân rộng đề tài, dự án còn ở chỗ thiếu sự nhiệt tình tham gia của một số đơn vị. Ông Đinh Thanh Tịnh, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phú Yên bức xúc: “Khi nhân rộng các đề tài, dự án cần có sự phối hợp của nhiều ngành chứ một ngành thì sẽ khó thành công. Chúng tôi đã từng làm việc với Hội Nông dân để triển khai việc đưa công nghệ thông tin về nông thôn nhưng tổ chức này vẫn chưa hưởng ứng”. Mặt khác, mỗi đề tài, dự án được áp dụng mỗi kiểu chứ chưa có sự thống nhất. Ông Lê Nhường, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên nói: “Sở KHCN đã có hướng dẫn nhân rộng nhưng việc thực hiện vẫn chưa đều khắp. Người nghiên cứu với người nhân rộng có lúc là một, có lúc là hai nên cách triển khai nhân rộng chưa đồng bộ. Phần nghiên cứu, chuyển giao nhân rộng cần có cơ chế, quy định hẳn hoi để tránh tình trạng kết quả nghiên cứu nằm trên giấy, trong tủ. Chúng ta cần tạo bước đột phá tiếp sau phần nghiên cứu là chuyển giao công nghệ”. Còn ông Đào Tứ Xuyên, Phó Giám đốc phụ trách Sở KHCN Phú Yên cho hay: “UBND tỉnh đã có quy định về hỗ trợ, chuyển giao đề tài, dự án nhưng lâu quá rồi nên không còn phù hợp”.
SẼ CÓ QUY ĐỊNH HỖ TRỢ LÀM “ĐÒN BẨY”
Theo các thành viên Hội đồng KHCN, phải bằng mọi cách đưa kết quả nghiên cứu khoa học có hiệu quả trở thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ cuộc sống người dân. Các đề tài khoa học xã hội cũng phải nhân rộng bằng cách in sách, giới thiệu với công chúng. Các đề tài, dự án do đội ngũ nghiên cứu khoa học ngoài tỉnh thực hiện cần có cam kết sau khi thành công phải sản xuất tại Phú Yên chứ không mang về trung ương sản xuất hoặc cất trong tủ.
Ông Đinh Thanh Tịnh đề xuất: “Đề tài đưa thông tin KHCN về nông thôn miền núi đã mang lại thành công. UBND tỉnh đã đặt hàng mở rộng hệ thống này về các xã. Tuy nhiên, việc này cần có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều đơn vị như Viễn thông, Nông nghiệp, Thư viện, KHCN, Thông tin - Truyền thông, Giáo dục, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật… Bên cạnh đó, UBND tỉnh nên có kinh phí để hỗ trợ nhân rộng những đề tài nghiên cứu thành công”. Nhiều ý kiến cho rằng, khi đề tài, dự án còn trong thời gian thực hiện thì có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân một cách tỉ mỉ và được đầu tư kinh phí nên dễ thành công. Tuy nhiên, khi chuyển giao công nghệ cho người dân tự thực hiện thì lại không đơn giản. Theo ông Biện Minh Tâm: “Các ngành sản xuất muốn triển khai nhân rộng cần có nguồn nhân lực. Người dân cần có các mô hình mới thực hiện được. Các đề tài, dự án cũng nên xây dựng các mô hình sau khi nghiệm thu. Mô hình có thể gắn với khuyến công, khuyến nông. Người dân có đất, có công, ngành khoa học nên hỗ trợ về kỹ thuật và cần có trung tâm ứng dụng”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng KHCN Phú Yên Lê Kim Anh nói: “Các chủ nhiệm, cơ quan chủ trì những đề tài, dự án nghiên cứu khoa học có kết quả nghiệm thu từ đạt yêu cầu trở lên trong thời gian qua, cần có bản tóm tắt gửi cho Hội đồng KHCN tỉnh để có phương hướng phổ biến nhân rộng. Nếu triển khai nhân rộng gặp vướng mắc, cần điều chỉnh những gì cũng phải đề xuất cụ thể. Từ nay đến năm 2015, kinh phí KHCN sẽ dành một phần cho việc nhân rộng, ứng dụng đề tài, dự án nghiên cứu khoa học đã thành công. Sở KHCN cần sớm xây dựng bổ sung quy định về việc hỗ trợ nhân rộng để trình UBND tỉnh”.
MINH CHÂU