Hoạt động phản biện khoa học công nghệ (KHCN) nhằm đánh giá, tư vấn, phán đoán được tiến hành đối với các chính sách, chương trình, dự án KHCN dựa trên lý lẽ logic và bằng chứng khoa học. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với PGS - TS Nguyễn Hữu Hùng ở Viện Chiến lược và chính sách KHCN (Bộ KHCN) xung quanh vấn đề này.
Lực lượng nghiên cứu khoa học là những người tham gia phản biện khoa học - Ảnh: MINH NGUYỆT |
* Công tác phản biện KHCN có vai trò như thế nào, thưa ông?
- Hoạt động phản biện KHCN nhằm đáp ứng các yêu cầu: tăng cường năng lực kiểm tra, điều chỉnh công tác quản lý vĩ mô hoạt động và thúc đẩy đổi mới chế độ quản lý KHCN; tăng cường quản lý trong việc ban hành và thực hiện các chương trình KHCN của Nhà nước.
* Để tránh việc phản biện mang tính hình thức, chiếu lệ, công tác phản biện KHCN cần phải làm như thế nào?
- Tổ chức phản biện và cán bộ phản biện phải giữ vững lập trường trung gian khách quan trong quá trình tiến hành các hoạt động phản biện. Phản biện khoa học chỉ có thể được triển khai trên cơ sở các ý kiến đa chiều, độc lập. Trong trường hợp, tổ chức và cán bộ phản biện cho rằng “tính độc lập” bị xâm phạm thì có thể từ chối công việc phản biện hoặc ngưng ngay hoạt động phản biện đang tiến hành hay cũng có thể đề cập đến trong báo cáo phản biện. Tổ chức và phản biện viên phải thu thập thông tin về các đối tượng phản biện theo nhiều kênh và từ nhiều góc độ khác nhau. Các kết luận phản biện phải dựa trên những phán đoán, kết luận có tính logic và có tính khoa học từ sự thực khách quan. Cán bộ tiến hành phản biện KHCN bắt buộc phải có thái độ trung thực, nghiêm minh và xây dựng. Hoạt động KHCN có các đặc tính tương đối phức tạp và rộng khắp, đòi hỏi các tổ chức và cán bộ phản biện KHCN phải căn cứ vào các đối tượng phản biện, mục đích và yêu cầu khác nhau của bên đặt hàng để tiến hành xây dựng hệ thống chỉ tiêu phản biện, lựa chọn hệ thống phương thức phản biện cho từng loại riêng biệt.
* Vậy quy trình phản biện KHCN được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Hoạt động phản biện bắt buộc phải được tiến hành theo một trình tự, đồng thời các tổ chức phản biện phải nêu rõ trình tự phản biện tương ứng trong bản báo cáo phản biện. Trình tự triển khai của công tác phản biện KHCN cơ bản gồm: Nêu nhu cầu phản biện, chuẩn bị phản biện, thiết kế hoạt động phản biện, chuẩn bị thông tin và luận cứ để phản biện, phân tích tổng hợp và báo cáo phản biện.
Bên đặt hàng và bên tiến hành phản biện phải có tiếng nói chung về các vấn đề như mục tiêu, giới hạn, trọng điểm và trách nhiệm trong hoạt động phản biện. Căn cứ vào mục đích phản biện đã thỏa thuận với bên đặt hàng để thiết kế khung phản biện và hệ thống các chỉ tiêu, luận cứ tương ứng, đồng thời phải giải quyết những vấn đề phản biện cần phải trả lời, cần thu thập những thông tin gì để có thể rút ra được kết luận phản biện cuối cùng. Dựa trên thông tin bước đầu đã được xử lý, tổ chức phản biện sẽ sử dụng các công nghệ phản biện để tiếp tục loại bỏ những yếu tố ảo, giữ lại những yếu tố thực. Như vậy, các tổ chức phản biện sẽ nắm được các yếu tố sự thực khách quan về đối tượng phản biện, từ đó sẽ hình thành kết luận phản biện. Bản báo cáo phản biện phải được kiểm tra chất lượng thông qua tổ chức thảo luận và chỉnh sửa cần thiết. Đối với những thông tin và ý kiến bất đồng giữa bên đặt hàng và bên được phản biện, tổ chức phản biện cần phải phân tích tỉ mỉ và đối chiếu với thực tế, sau đó mới quyết định có cần chỉnh sửa lại báo cáo phản biện của mình hay không. Để giữ nguyên tắc tính độc lập, tổ chức phản biện có quyền không chỉnh sửa lại mà vẫn giữ các kết luận phản biện của mình.
* Xin cảm ơn ông!
MINH NGUYỆT (thực hiện)