Dự án đưa thông tin khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, miền núi được Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Phú Yên triển khai từ cuối năm 2006, thế nhưng dự án đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo dưỡng thiết bị, máy móc dẫn đến chưa phổ biến rộng rãi cho cán bộ cấp cơ sở và người dân. Theo ý kiến của các nhà quản lý, dự án cần tiếp tục hoàn thiện nhằm giải quyết yêu cầu cuộc sống của người dân.
Khai thác thông tin khoa học công nghệ qua Internet tại UBND xã Hòa Quang
VẪN CÒN NHIỀU HẠN CHẾ
Dự án xây dựng tại các điểm thụ hưởng một hệ thống thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại có khả năng truy cập internet, thư viện điện tử có khả năng cập nhật từ xa, kho phim tài liệu khoa học và công nghệ luôn cập nhật mới. Bên cạnh đó, Sở KH-CN còn xây dựng trang thông tin khoa học - công nghệ địa phương nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, miền núi; giới thiệu và quảng bá hoạt động khoa học - công nghệ các huyện; xây dựng cơ chế thông tin tương tác trao đổi giữa ba cấp tỉnh, huyện và xã; phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ tại chỗ đủ năng lực tiếp nhận và phát huy hệ thống trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đang gặp phải khó khăn tại một số địa phương. Ông Nguyễn Văn Duỗn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết: “Máy tính chạy hệ điều hành Linux có tốc độ chậm, máy in hay bị trục trặc về phần mềm do driver trên hệ điều hành Linux chưa hỗ trợ nhiều”.
Việc ứng dụng và sử dụng mã nguồn mở tại các địa phương vẫn chưa sẵn sàng, do thói quen sử dụng sản phẩm nguồn đóng của Microsoft. Việc ứng dụng mã nguồn mở chưa được hỗ trợ một số thiết bị mới đã gây khó khăn cho quá trình lựa chọn giải pháp kỹ thuật và triển khai dự án. Hệ điều hành Linux tuy không phức tạp nhưng khả năng tương tác thấp, khả năng nhận diện của người sử dụng cũng có hạn nên hạn chế khả năng phổ biến nếu không được huấn luyện kỹ năng sử dụng. Ông Hồ Văn Tùng, nguyên Phó Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên cho rằng: “Cán bộ công chức chưa ý thức hết về bản quyền phần mềm, nặng tâm lý ỷ lại ở Nhà nước. Công tác triển khai dự án chưa được sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo một số địa phương. Quy trình bảo hành thiết bị còn nhiều khó khăn do phải di chuyển từ các huyện đến nơi bảo hành thiết bị tại TP Tuy Hòa. Một số cán bộ được các địa phương cử đi đào tạo, thế nhưng sau khi trở về địa phương không được sử dụng hệ thống do phải điều chuyển nhận nhiệm vụ khác, gây khó khăn cho việc triển khai hệ thống tại địa phương”.
Trong quá trình sử dụng, một số xã chưa lắp đặt được đường truyền internet tốc độ cao ADSL, hệ thống máy vi tính tại các đơn vị trên chủ yếu phục vụ cho công tác văn phòng và khai thác thư viện điện tử, phim khoa học, công nghệ… “Tuy số lượng thông tin phong phú, đa dạng nhưng hệ thống này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Người thụ hưởng là cán bộ và người dân khu vực nông thôn, miền núi nhưng chưa có các mục về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu các sản phẩm mới về nông nghiệp, thủy sản… mà chỉ có các mục khoa học chung”– ông Lê Tỷ Khánh, Giám đốc Trung tâm Tích hợp dữ liệu Phú Yên cho biết.
CẦN TIẾP TỤC HOÀN THIỆN MÔ HÌNH
Ông Trần Văn Hồng, chuyên viên tin học Viễn thông Phú Yên (VNPT Phú Yên) cho rằng: “Bộ RAM của hệ thống này nhỏ nên chưa khai thác hết khả năng xử lý tối đa của nó, phần nào làm chậm tốc độ xử lý CPU. Để khai thác thông tin hiệu quả hơn nên tăng dung lượng RAM. Ngoài ra, điều quan trọng là làm sao trang thông tin chuyển tải đến người dân. Hệ thống này nên có sự kết hợp giữa các cơ quan chức năng như Sở KH-CN và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn để có nhiều thông tin hơn nữa về mùa vụ, kinh nghiệm nuôi trồng…”.
Theo ông Trần Minh Cảnh, Trưởng khoa Kỹ thuật công nghệ (Trường Đại học Phú Yên), trang thông tin khoa học, công nghệ cần đề xuất về công nghệ vì nếu không, điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho giai đoạn bảo trì và nâng cấp sau này. Cần xác định các nguồn thông tin cụ thể, chính xác, khoa học, phù hợp với mục tiêu của dự án để đưa lên trang thông tin, từ đó hình thành lộ trình trao đổi thông tin hai chiều để dự án phát huy hiệu quả. Trong khi đó, ông Lê Tỷ Khánh lại cho rằng: “Việc đào tạo cán bộ ở khu vực nông thôn, miền núi là vấn đề khá nan giải, cần có quy trình và chương trình đào tạo cụ thể khi nhân rộng mô hình”.
Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội đồng KH-CN Phú Yên Lê Kim Anh nói: “Cần mở rộng thêm thư viện điện tử phuyen.net để có thêm nhiều mục như trồng trọt, chăn nuôi… Ngoài ra, cũng cần khắc phục việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở để hiệu quả sử dụng cao hơn. Sở KH-CN phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh kiểm tra toàn bộ hệ thống máy tính ở các điểm được triển khai dự án và đề xuất phương án bổ sung, sửa chữa các thiết bị. Bên cạnh đó, cần đào tạo thêm nhân lực nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động bình thường, góp phần giải quyết được một phần yêu cầu cuộc sống người dân khu vực nông thôn, miền núi. Bên cạnh đó, tại các địa phương cần có trạm bảo dưỡng máy vi tính để sửa chữa hiệu quả, ít tốn kém”.
MINH NGUYỆT