Các nhà nghiên cứu đã phải ngày đêm phát minh ra những công nghệ mới giúp thay đổi căn bản cách nghĩ và cách sử dụng các vật dụng điện tử hàng ngày của con người.
USB 3.0
USB là một trong những câu chuyện thành công nhất của lịch sử máy tính, tới nay đã có hơn 2 tỉ thiết bị điện tử có kết nối USB. Với tốc độ phát triển như hiện nay của các giải pháp lưu trữ thì tốc độ truyền tải dữ liệu 480Mbps của USB 2.0 khó có thể chấp nhận được. Vì vậy, người ta phải tìm một giải pháp USB nhanh hơn, và USB 3.0 đã ra đời với tốc độ hứa hẹn có thể lên tới 4,8Gbps, tương đương với khả năng truyền tải trọn một chiếc đĩa CD-R trong 1 giây. USB 3.0 sẽ sử dụng kết nối hơi khác biệt một chút so với USB 2.0 nhưng vẫn tương thích ngược với chuẩn USB hiện tại.
USB 3.0 cho phép trao đổi dữ liệu nhanh gấp 10 lân USB 2.0 hiện tại
Dự kiến tới năm 2010 sẽ có chuẩn USB 3.0 nhằm hòa cùng vào các chuẩn truyền dữ liệu tốc độ cao đang thịnh hành như DisplayPort, eSATA, và HDMI. Ngay cả chuẩn FireWire cũng được “tu sửa” lại để có tốc độ vào khoảng 3,2Gbps. Nhờ có tốc độ truyền dữ liệu cực cao như vậy nên USB 3.0 sẽ giúp quá trình kết nối với thiết bị ngoại vi nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Điện không dây
Khái niệm truyền tải điện không dây từng được nhắc tới cách đây khá lâu nhưng chúng mãi vẫn là giấc mơ cho tới năm 2008 khi Intel trình diễn một phương pháp dựa trên nghiên cứu của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Theo đó, có thể truyền một dòng điện ở khoảng cách hơn 1m mà không cần dây dẫn và cũng không gây nguy hiểm nào cho những người xung quanh. Intel gọi công nghệ này là “kết nối năng lượng cộng hưởng không dây”, có khả năng truyền một dòng điện đủ để thắp sáng một bóng đèn 60-watt với khả năng tiết kiệm năng lượng 70%.
Kết nối năng lượng cộng hưởng không dây.
Tuy nhiên, cũng theo Intel hiện vẫn còn rất nhiều trở ngại để thương mại hóa công nghệ trên. Trước hết, thí nghiệm trên của Intel sử dụng dòng điện xoay chiều, nhưng khi sạc điện cho các thiết bị cầm tay thì phải sử dụng dòng điện một chiều, và kích thước các thiết bị phải thu nhỏ lại.
Đó là chưa tính tới các quy định về an toàn bởi tác động của phương pháp này với sức khỏe con người vẫn chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi thì khoảng 6-8 năm nữa, chiếc laptop của bạn sẽ được tích hợp công nghệ này, giúp nó tự động sạc pin khi đi qua những khu vực công cộng như sân bay, hoặc ngay trong công sở trong khi máy tính vẫn nằm trong túi.
Điều khiển từ xa bằng cử chỉ
Các ý tưởng điều khiển từ xa trước đây bằng cách sử dụng nhận dạng giọng nói và quét sóng não đã thất bại, nhưng một giải pháp thay thế khác đang dần lộ diện. Đó chính là điều khiển bằng cử chỉ.
Điều khiển từ xa bằng cử chỉ.
So với nhận dạng giọng nói, nhận dạng cử chỉ là một khái niệm khá đơn giản, và hiện đang được áp dụng trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Ý tưởng này dựa trên việc sử dụng một camera (chẳng hạn như webcam máy tính xách tay) để theo dõi người dùng, và phản ứng lại với những cử chỉ điều khiển bằng tay.
Hiện Toshiba đang là hãng đi tiên phong trong lĩnh vực này với sản phẩm Qosmio G55, chiếc laptop đầu tiên của thế giới có khả năng nhận dạng cử chỉ điều khiển. Toshiba cũng đang phát triển một chiếc TV với khả năng tương tự. Dự kiến những sản phẩm tương tự sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2012.
Hệ điều hành 128-bit
Năm 1986, Intel giới thiệu bộ xử lý (CPU) 32-bit đầu tiên của hãng, và phải đến 7 năm sau hệ điều hành Windows 32-bit đầy đủ (Windows NT 3.1) mới ra mắt, chính thức chấm dứt “kỷ nguyên” 16-bit. Ngày nay những bộ xử lý 64-bit đã khá thông dụng nhưng Microsoft vẫn chưa ra mắt phiên bản Windows 64-bit thực sự nào.
Theo kế hoạch phải đến năm 2013 Microsoft mới có một phiên bản Windows 64-bit hoàn toàn. Phiên bản này có thể sẽ là Windows 8 (hệ điều hành tiếp sau Windows 7). Và dự kiến tới năm 2025, người ta mới có thể chế tạo ra chiếc máy tính chạy trên nền tảng hệ điều hành 128-bit.
N. MINH (tổng hợp)