Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ vừa ký phê duyệt và giao đề tài KH&CN cấp tỉnh “Tạo lập, quản lý và phát triển chứng nhận sầu riêng Sông Hinh dùng cho sản phẩm sầu riêng huyện Sông Hinh” cho Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chủ trì; ThS Nguyễn Văn Ga làm chủ nhiệm đề tài, thời gian thực hiện 36 tháng, với tổng kinh phí hơn 1,9 tỉ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN cấp tỉnh.
Mục tiêu của đề tài là tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Sông Hinh; xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ quản lý, khai thác thông tin, phát triển đối với nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Sông Hinh nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển sầu riêng của huyện Sông Hinh…
Sớm xây dựng nhãn hiệu cho sầu riêng Sông Hinh
Là địa phương trồng sầu riêng lớn nhất của tỉnh, với diện tích khoảng 800ha, sản lượng trung bình 6.000 tấn/năm, thế nhưng hiện sầu riêng Sông Hinh vẫn chưa được tạo lập nhãn hiệu, chưa có thương hiệu được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận nên chưa phát huy hết tiềm năng và giá trị. Vì vậy, việc tạo lập nhãn hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý và ứng dụng KH&CN để nâng tầm giá trị sầu riêng Sông Hinh là điều cần thiết.
Mấy ngày nay, ông Cao Nguyên Lâm (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) rất vui mừng trước thông tin Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đang thực hiện đề tài “Tạo lập quản lý và phát triển chứng nhận sầu riêng Sông Hinh dùng cho sản phẩm sầu riêng huyện Sông Hinh”.
Ông Lâm cho biết, trước khi chuyển sang trồng sầu riêng, ông từng trồng nhiều loại cây khác. Tuy nhiên, ông cũng như nhiều nông dân là trồng theo kiểu tự phát, thấy cây gì có lợi thì ồ ạt rủ nhau trồng, đến khi trồng nhiều lại rơi vào cảnh rớt giá, đầu ra không ổn định.
“Hiện tôi tập trung chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cây sầu riêng phát triển, đạt năng suất cao hơn. Hy vọng việc triển khai đề tài này sẽ giúp sầu riêng có thương hiệu riêng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và được nhiều người biết đến hơn. Khi đó giá cả sẽ ổn định hơn”, ông Lâm cho biết thêm.
Cùng tâm trạng vui mừng, phấn khởi như ông Lâm, ông Tô Đình Kền (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) chia sẻ: “Việc Nhà nước xây dựng nhãn hiệu sầu riêng rất tốt cho người dân. Vì có nhãn hiệu, thương hiệu, thị trường sẽ đón nhận, bán được giá hơn, thoát cảnh được mùa mất giá. Song song đó, nông dân được chuyển giao ứng dụng KH&CN, trồng và chăm sóc cây đúng cách, đạt sản lượng, chất lượng cao. Người nông dân tối ưu được chi phí, tối đa lợi nhuận và nâng tầm thương hiệu sầu riêng”.
Theo ThS Nguyễn Văn Ga, chủ nhiệm đề tài, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đề tài, từ đầu tháng 10/2024 đến nay, nhóm nghiên cứu khảo sát, điều tra hiện trạng sản xuất kinh doanh và lấy mẫu đất, mẫu trái sầu riêng ở các xã có diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Sông Hinh; khoanh vẽ bản đồ hiện trạng khu vực sản xuất sầu riêng… để tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Sông Hinh.
Song song đó, nhóm tiến hành xây dựng bộ cơ sở dữ liệu và công cụ quản lý, khai thác thông tin, phát triển đối với nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Sông Hinh nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trồng sầu riêng; xây dựng mô hình sản xuất, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Sông Hinh theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và bảo hộ sản phẩm.
Nhóm nghiên cứu điều tra khảo sát việc trồng sầu riêng ở hộ ông Cao Nguyên Lâm (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh). Ảnh: LỆ VĂN |
Nâng tầm thương hiệu sầu riêng Sông Hinh
Theo bà Lý Thị Thu Hằng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh, hiện nay, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện 800ha, cho thu hoạch gần 400ha, năng suất bình quân khoảng 17 tấn/ha, sản lượng năm 2024 khoảng 6.000 tấn. Địa phương bước đầu hình thành một số vùng sản xuất sầu riêng tại các xã Ea Bar, Ea Ly, Ea Trol và Sông Hinh.
Cũng theo bà Hằng, sầu riêng trồng tại huyện Sông Hinh có vị ngọt thanh, cơm dày, múi khô và chín muộn hơn ở các địa phương khác trong cả nước từ 1-2 tháng. Đây chính là những ưu điểm để nâng giá trị và xây dựng thương hiệu sầu riêng Sông Hinh.
“Để tiếp tục phát triển diện tích sầu riêng theo hướng chuyên canh, Sông Hinh đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng vùng cây ăn trái, gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030 của UBND tỉnh. Song song đó, huyện chú trọng liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng KH&CN, xây dựng vùng chuyên canh cây sầu riêng theo chuẩn nông nghiệp sạch, VietGAP, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng chuyên canh trồng sầu riêng, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa làm cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, bà Hằng thông tin.
Theo ThS Nguyễn Văn Ga, sầu riêng là cây trồng khó tính, đòi hỏi chăm sóc kỹ lưỡng và kỹ thuật cao. Lâu nay, sản phẩm sầu riêng Sông Hinh bán ra phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh. Để đảm bảo sản lượng, chất lượng, nhóm nghiên cứu sẽ điều tra chất đất, chất lượng trái của các vùng trồng; xây dựng quy trình kỹ thuật, chăm sóc phù hợp với từng vùng trồng để đảm bảo dinh dưỡng, phòng ngừa sâu bệnh cho cây sầu riêng.
“Làm sao phải đảm bảo chất lượng trái to, tròn đều, tránh tình trạng rụng, sượng cơm, mất múi. Đề tài sẽ xây dựng mô hình sản xuất, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Sông Hinh dùng cho sản phẩm sầu riêng Sông Hinh theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được bảo hộ. Quy hoạch các vùng thích hợp trồng sầu riêng, ổn định chất lượng và nâng cao năng suất là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng”, ThS Ga nói.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho biết thời gian đến, Sở KH&CN sẽ tiếp tục lựa chọn đơn vị tư vấn, tham mưu UBND tỉnh cho xây dựng các nhiệm vụ KH&CN, tập trung vào các nội dung như: Nghiên cứu áp dụng quy trình công nghệ theo chuỗi khép kín từ khâu giống, canh tác đến chế biến, truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây sầu riêng theo hướng phù hợp với xuất khẩu và nội địa, gắn với chuỗi giá trị đồng bộ, nâng cao giá trị; phối hợp với Sở NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển cây sầu riêng theo hướng bền vững; chú trọng chính sách hỗ trợ hộ dân về cây giống, mô hình và chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây sầu riêng…
Toàn huyện Sông Hinh có gần 800ha sầu riêng, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 400ha, năng suất bình quân khoảng 17 tấn/ha, sản lượng khoảng 6.000 tấn/năm. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã kiểm tra, cấp mã số 4 vùng trồng xuất khẩu sầu riêng với tổng diện tích hơn 94ha.
Bà Lý Thị Thu Hằng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh |
VĂN TÀI