Phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm là một trong những định hướng quan trọng của Bộ GD&ĐT. Sự tập trung vào người học không chỉ đảm bảo hiệu quả và linh hoạt trong việc truyền đạt kiến thức mà còn góp phần động viên, đánh thức tiềm năng cá nhân.
Khơi dậy đam mê sáng tạo
Tại hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường năm học 2023-2024 của Trường đại học Xây dựng Miền Trung, mọi người khá ấn tượng với phong thái tự tin của sinh viên Nguyễn Thị Thu Hương. Lấy cảm hứng từ ý tưởng về thi công bằng khiên đào trong điều kiện đất yếu, Nguyễn Thị Thu Hương mang đến đề tài “Phân tích ổn định và biến dạng của hầm giao thông thi công bằng khiên đào trong điều kiện đất yếu tại TP Hồ Chí Minh”. Cách phát hiện từ đề tài là cơ sở đề xuất một số giải pháp thi công hầm tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ: Ban đầu em nghĩ nghiên cứu khoa học là tập trung vào những vấn đề vĩ mô, khô khan. Tuy nhiên, qua cách hướng dẫn của giảng viên, sự hỗ trợ của nhà trường, em hiểu nghiên cứu khoa học gắn với những lợi ích, giá trị thực tiễn của cuộc sống. Em thấy các chương trình nghiên cứu khoa học giúp người trẻ phát triển tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu thông tin và kỹ năng phân tích tổng hợp – 3 kỹ năng sinh viên thường yếu nhất.
Ngoài ra, việc viết nghiên cứu còn giúp em rèn luyện tính kiên nhẫn, cách lập luận logic và chọn lọc từ ngữ để truyền tải nội dung đầy đủ nhất cho người đọc. Những giá trị đó giúp mình nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học nghiêm túc.
Ngoài các hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nhà trường, những năm gần đây, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ từ nhà trường, rất nhiều sinh viên đã đạt được giải cao tại các cuộc thi học thuật. Điển hình như hai sinh viên Nguyễn Thị Thúy Nga, Lê Trung Tâm (Trường đại học Xây dựng Miền Trung) đã đạt giải thưởng Đồ án tốt nghiệp xuất sắc ngành Nước và Môi trường 2024.
Trong kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh toàn quốc lần thứ 30 năm 2024, Đội Olympic Toán học của Trường đại học Phú Yên đã xuất sắc giành 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba. Trong đó, sinh viên Đặng Quang Trường, ĐHSP Toán C22 đạt 2 giải: giải nhất môn Giải tích và giải nhì môn Đại số. Sinh viên Cao Hoàng Nguyên, ĐHSP Toán C21 đạt giải ba môn Giải tích.
Đào tạo sát với thực tế
Phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm là một hướng tiếp cận trong đào tạo mà người học đóng vai trò trung tâm trong quá trình học tập. Tại hội nghị tổng kết của ngành Giáo dục mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo giáo dục và đào tạo là phải lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh, sinh viên.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thiết kế, xây dựng chương trình phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người học. Tại Trường đại học Phú Yên, từ năm thứ nhất, sinh viên được tiếp cận một số môn cơ sở chuyên ngành và chuyên ngành.
TS Đoàn Thị Như Hoa, giảng viên Khoa Du lịch cho rằng: Sinh viên phải biết và hình dung được ngành mình đang học thế nào, có như vậy mới kích thích được đam mê học tập, nghiên cứu của các em. Muốn sinh viên yêu ngành, yêu trường thì nhà trường phải giúp các em hiểu về nó. Khi đã hiểu các em sẽ toàn tâm, toàn ý với lựa chọn. Vì vậy, chúng tôi không để đến năm thứ 3, thứ 4, sinh viên mới được cọ xát với các môn chuyên ngành mà ngay từ năm 1, sinh viên đã đi thực tế bộ môn, năm 2 thực tế doanh nghiệp, năm 3 đi thực tập lần 1, năm 4 thực tập lần 2.
Theo TS Lê Đức Thường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung, đào tạo sát với thực tế, đáp ứng chuẩn đầu ra là mục tiêu mà nhà trường hướng tới. Để tạo sự hứng thú cho sinh viên tham gia học tập, ngoài sửa đổi chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy của các giảng viên cũng được đổi mới.
Giảng viên đóng vai trò là người điều tiết hỗ trợ, đưa ra các tình huống có vấn đề để hướng dẫn sinh viên giải quyết; từ đó tiết kiệm thời gian và tạo cơ hội phát triển tư duy cho người học. Nhà trường hiện có các phòng thí nghiệm chuyên ngành để sinh viên có cơ hội nghiên cứu tiếp cận nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp, sinh viên có cơ hội tham quan, học việc tại các công ty lớn. Đây là cơ hội để sinh viên định hình rõ hơn về công việc và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cần có sau khi tốt nghiệp.
Để tạo sự hứng thú cho sinh viên tham gia học tập, ngoài sửa đổi chương trình, phương pháp giảng dạy của các giảng viên cũng được đổi mới. Giảng viên đóng vai trò là người điều tiết hỗ trợ, đưa ra các tình huống có vấn đề để hướng dẫn sinh viên giải quyết.
TS Lê Đức Thường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung |
NHƯ THANH